Home » , » "Pháo đài" ngô lai nội

"Pháo đài" ngô lai nội

Written By Chăn Nuôi on Wednesday, July 3, 2013 | 12:08 AM


Cạnh tranh sòng phẳng và quyết liệt với những đối thủ quốc tế sừng sỏ nhất, những bộ giống ngô lai nội vẫn là lựa chọn hàng đầu khi bà con nông dân đưa lên “bàn cân” cả hai yếu tố chất lượng và giá cả…

Gần 20 trước, khi những giống ngô lai ngoại đầu tiên xuất hiện ở thị trường Việt Nam, người ta còn nhớ giá mỗi kg cao chót vót, ngang nửa chỉ vàng mà vẫn không có để bán. Chính yếu tố ngoại lai đó đã kích thích ngành nghiên cứu ngô lai nội phát triển bởi những nhà khoa học tâm huyết. Lần lượt các giống mới ra đời, cải tiến dần dần để rồi định hình nên một bộ sản phẩm ngô lai nội chủ lực, gây dựng được danh tiếng trên thị trường như LVN10, LVN99, LVN9, LVN4, LVN23, LVN61, VN8960, VN2.

Những giống này đều được chuyển cho Cty Tư vấn & đầu tư phát triển ngô- một đơn vị trực thuộc Viện Nghiên cứu ngô trực tiếp SXKD. Mấy năm gần đây, thị trường giống trong vòng quay khắc nghiệt của thải loại. Doanh nghiệp yếu, thiếu kinh nghiệm sớm rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng, thậm chí phá sản nhưng kết quả hoạt động SX năm 2012 của Cty vẫn đạt xấp xỉ 2.000 tấn, doanh thu trên 90 tỷ đồng là một điều đáng ghi nhận.

Không chỉ tham gia kinh doanh, đơn vị còn trực tiếp thực hiện đề tài nghiên cứu biện pháp kỹ thuật thâm canh cho một số giống ngô năng suất 10-12 tấn/ha tại vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Trực tiếp thực hiện dự án SX thử hạt giống ngô lai LVN66 cho Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ. Trực tiếp triển khai dự án “Phát triển giống ngô lai LVN111 và LVN102 cho các vùng SX ngô hàng hóa chủ lực trong nước” thuộc chương trình “Nghiên cứu ứng dụng & phát triển công nghệ phục vụ SX các các sản phẩm chủ lực, mã số KC.06/11-15” đã được Bộ Khoa học - công nghệ phê duyệt tháng 10/2012, triển khai từ tháng 1/2013 - 12/2014.

Trên thị trường ai cũng hiểu, đã là doanh nghiệp nội địa, lại trực thuộc nhà nước nên khi bán sản phẩm tỷ lệ “hoa hồng” trích lại cho các đại lý rất thấp, chỉ bằng 1/4-1/5 doanh nghiệp nước ngoài. Vậy cái gì làm nên điều kỳ diệu mang tên ngô lai nội với hai ngàn tấn được bán ra mỗi năm?

Điều đầu tiên phải nói đến yếu tố chất lượng, nhất là yếu tố thích nghi phổ rộng và khả năng chống chịu sâu bệnh và biến đổi khí hậu. Giải thưởng Bông lúa vàng VN lần thứ nhất 2012 cho giống LVN61 do Bộ NN-PTNT trao tặng giữa tháng 11/2012 chính là ghi nhận cho một đại diện tiêu biểu của chất xám Việt. Không chỉ thỏa mãn với những giống ngô lai truyền thống, một seri giống thế hệ mới năng suất cao, màu hạt đẹp, thích ứng rộng như LVN111, LVN102 cũng đã sẵn sàng tung vào cuộc cạnh tranh tới.

Trao đổi với NNVN, TS Lê Văn Hải, PGĐ Cty tâm sự, hình thức Cty TNHH Nhà nước một thành viên nằm trong viện nghiên cứu là một bước tiến bộ trong tổ chức nghiên cứu và SXKD. Nếu hoạt động ở quy mô nhỏ (kinh doanh trên 50 tỷ đồng, tổng sản phẩm bán ra 1.200 - 1.500 tấn giống/năm) hoặc mức độ cạnh tranh thấp thì chưa xuất hiện các bất cập.

Khi tăng quy mô và tốc độ hoạt động lên, mức độ cạnh tranh gay gắt với các công ty trong và ngoài nước cùng kinh doanh một loại sản phẩm, loại hình công ty nằm trong viện này có biểu hiện yếu kém so với mô hình tổ chức công ty cổ phần ở sự trì trệ, thiếu năng động, sức cạnh tranh thấp, tăng trưởng không ổn định...

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do hoạt động công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng lại trực thuộc đơn vị sự nghiệp khoa học. Cơ chế quản lý chịu sự chi phối bởi các chính sách quản lý tài sản, nguồn vốn của Nhà nước làm giảm tính năng động trước sự biến đổi của thị trường, hạn chế hiệu quả trong môi trường cạnh tranh.

TS Lê Văn Hải phân tích cụ thể hơn các mặt thuận lợi: Sự lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra giám sát trực tiếp của Viện Nghiên cứu ngô nên không xảy ra các rủi ro lớn, bảo toàn và phát triển đồng vốn chủ sở hữu. Sử dụng nguồn vốn của chủ sở hữu trong SXKD, ít phải huy động vốn từ các nguồn khác nên tự tin, chủ động đầu tư, có thể giảm chi phí.

Sản phẩm khoa học trong SXKD là các giống ngô chủ lực có uy tín và thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước được chuyển giao sang công ty; giá mua giống bố mẹ được hưởng cơ chế giá ưu đãi. Có thể điều động, bổ sung nguồn lao động, đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ viện sang, hỗ trợ công ty trong những lúc khó khăn. Không có sự xung đột lợi ích lớn về phân chia lợi nhuận. Tận dụng được các lợi thế về tài sản, đất đai của viện với chi phí thấp.

Tổ chức của Cty TNHH Nhà nước một thành viên tương đối đơn giản, việc điều hành thuận lợi hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác. Tuy nhiên những hạn chế lại rất lớn gồm: Luôn phải duy trì sự thống nhất cơ bản về lợi ích của người lao động giữa đơn vị chủ quản và Cty; khó đảm bảo được hài hòa lợi ích của người lao động với lợi ích của doanh nghiệp; đôi khi dẫn tới triệt tiêu tính tích cực trong các mặt công tác.

Cơ cấu tổ chức không thể thay đổi linh hoạt theo các thay đổi của thực tiễn kinh doanh và yêu cầu của thị trường. Có khả năng xảy ra rủi ro do tác động lớn về tổ chức và hoạt động khi thay đổi về nhân sự quản lý Nhà nước cấp trên, thay đổi về các cơ chế chính sách của Nhà nước…

Công ty TNHH Nhà nước một thành viên không được phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn, phục vụ SXKD, mở rộng quy mô hoạt động…mà nếu cần vốn để mở rộng quy mô thì phải đi vay với lãi suất cao; cán bộ, nhân viên không góp vốn trong công ty nên sự gắn bó, tinh thần trách nhiệm làm việc, ý thức về phát triển công ty không cao nên khả năng phát triển và đẩy mạnh SX không bằng công ty cổ phần. Giá trị thị trường của doanh nghiệp không được củng cố và nâng cao… Do đó định hướng thiết tha nhất của toàn thể cán bộ công nhân viên đơn vị là tiến tới cổ phần hoá công ty.
Theo NNVN
Chia sẻ bài viết: :
 
Thiết kế bởi: Free Blogger Templates | VNBLOGGER | Thư viện Online | Tin khuyến mại | Sổ tay Online Xem Phim: Phim Ánh Trăng
Copyright © 2016. Nông Nghiệp - By Blogger.com