Bài này sẽ đem lại một cái nhìn tổng quát về vấn đề an toàn sinh học trong trại gà giống và đề cập đến các khái niệm, các quy trình thực hiện an toàn sinh học để phòng chống các bệnh thường xuất hiện trong bất kỳ hệ thống chăn nuôi nào.
Tác giả: Marcelo PANIAGO, DVM, MSc, MBA, Giám đốc Thị trường khu vực về Gia cầm
CEVA Animal Health Châu Á - Thái Bình Dương
CEVA Animal Health Châu Á - Thái Bình Dương
GIỚI THIỆU
An toàn sinh học có thể được hiểu như sau: “An toàn sinh học là một quy trình bao gồm nhiều bước với mục tiêu giảm thiểu tối đa khả năng xuất hiện của các tác nhân gây bệnh không mong muốn trong các trại chăn nuôi gà”. Mức độ của các quy tắc an toàn sinh học phụ thuộc chủ yếu vào sự phổ biến các bệnh trong khu vực, giá trị của đàn gà, trại chăn nuôi theo kiểu ngắn hạn hay dài hạn, kỳ vọng & mức độ cẩn thận của chủ trại và nguồn lực sẵn có.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng một chương trình an toàn sinh học hiệu quả là nắm vững cách lây lan mầm bệnh. Dựa vào đó, một quy trình rõ ràng có thể được xây dựng hoàn chỉnh và nên được tất cả mọi người tham gia trong quy trình sản xuất thực hiện chặt chẽ và không có bất kì ngoại lệ nào.
Trong các trại gà giống, một chương trình an toàn sinh học toàn diện bao gồm một số quy trình khác nhau với mục tiêu chính là để hạn chế nguy cơ đàn gà giống bố mẹ phơi nhiễm với các tác nhân gây bệnh có thể đe dọa đến sức khỏe của chúng, cũng như thế hệ con cái của chúng. Chương trình an toàn sinh học thường có một số điểm chính như cách ly, vệ sinh, tiêm phòng, giám sát và kiểm tra. Các điểm này sẽ được mô tả chi tiết ở các phần dưới.
CÁC ĐIỂM CHÍNH TRONG MỘT CHƯƠNG TRÌNH AN TOÀN SINH HỌC
a. Cách ly
Cách ly ở đây tức là, chăn nuôi đàn gà trong một môi trường được kiểm soát từ vị trí trại, bố cục trại, cách thức sắp xếp trong trại cho đến các quy trình cần thiết khác như kiểm soát giao thông và vệ sinh môi trường để giữ cho đàn gà tránh được các nguồn lây nhiễm có thể xảy ra.
Do đó, bước đầu tiên để thiết lập một chương trình an toàn sinh học hiệu quả là trại gà giống nên có một vị trí thích hợp. Chúng ta đều biết không khí là nguồn lây truyền mầm bệnh và nguồn lây bệnh này có thể bị giới hạn bởi khoảng cách; vì thế trại gà nên được đặt trong một khu vực được cô lập, càng xa với các trại chăn nuôi gà khác càng tốt. Trại gà giống cũng nên tránh các đường vận chuyển gia cầm chính (đường bộ và đường thủy), cũng như đường chim di cư thường bay qua.
Bố cục của trại gà phải được tính toán sao cho khoảng cách tối thiểu giữa các chuồng trại ít nhất vài trăm mét, có đường đi thông nhau giữa các chuồng, có khu vực sạch và khu vực dơ,… Có hàng rào xung quanh trại cũng như xung quanh chuồng trại để ngăn chặn sự xâm nhập của bất kỳ vật ngoại lai không mong muốn nào. Nên trồng cây xung quanh chuồng trại vì hàng cây sẽ có vai trò như một máy lọc thực vật và chắn gió, nhưng khu vực 15m xung quanh chuồng trại cần được giữ sạch sẽ và không trồng bất kì cây gì.
Thiết kế chuồng trại sao cho các điểm ra vào của loài gặm nhấm, chim hoang dã, côn trùng và động vật hoang dã khác ít nhất có thể (không có càng tốt).
Loài gặm nhấm là thú mang trùng và động vật trung gian chính lây truyền mầm bệnh Salmonella spp. cho gà, do đó chương trình an toàn sinh học cũng phải kiểm soát được chúng. Kiểm soát loài gặm nhấm không chỉ nghiêm ngặt ở các trại gà giống mà còn ở các nhà máy chế biến thức ăn thức nuôi và gồm một số bước như: có các vật dụng diệt trừ loài gặm nhấm, phá bỏ những chỗ mà chúng có thể ẩn nấp, đặt bẫy ở những nơi thích hợp và giữ cho toàn bộ nhà máy càng sạch càng tốt.
Bên cạnh loài gặm nhấm, các loài động vật khác và thậm chí là côn trùng cũng là vật trung gian truyền lâySalmonella spp. cho các đàn gà giống. Việc làm sạch và sử dụng cẩn thận các thuốc trừ sâu là rất cần thiết để kiểm soát các loại côn trùng mang mầm bệnh này. Các lưới treo hay các vật dụng phòng chống khác có thể giúp đàn gà trong trại tránh được việc tiếp xúc với chim hoang dã và ngăn cách chúng ở bên ngoài chuồng. Hơn nữa, việc làm sạch thức ăn rơi ra ngoài cũng hạn chế sự thu hút chúng vào chuồng gà.
Thú nuôi như chó mèo không nên cho vào trại gà giống và sử dụng mèo như một phương pháp kiểm soát số lượng loài gặm nhấm cũng không được khuyến khích vì đây cũng là nguồn truyền lây Salmonella spp. cho lứa gà giống tiếp theo được nuôi trong trại. Các gia súc khác như bò sữa và bò thịt cũng phải được nuôi cách xa chuồng gà.
Các chuyến tham quan không cần thiết cũng nên tránh bằng mọi giá. Nhưng đối với các khách tham quan được cho phép và công nhân trong trại, trước khi vào trại phải được tắm qua vòi sen, sử dụng trang phục sạch và giày trong trại. Nên làm hồ sơ về các khách tham quan như tên họ, địa chỉ, ngày tham quan và mục đích tham quan.
Cũng nên biết rằng các thiết bị trong trại và các phương tiện vận chuyển cũng là nguồn lây nhiễm mầm bệnh cho đàn gà giống. Vì vậy, để giảm thiểu tối đa nguy cơ này, tất cả các thiết bị và các phương tiện phải được tiệt trùng hoàn toàn trước khi đưa vào trong trại hay các chuồng gà.
Đàn gà mới và thức ăn chăn nuôi cũng có thể là một nguy cơ lan truyền mầm bệnh vào trại gà giống. Vì lý do này, các gà con một ngày tuổi chỉ nên được nhập về trại từ một nơi đáng tin cậy và thức ăn sử dụng nên được sản xuất với tiêu chuẩn cao về an toàn sinh học và trải qua một quy trình khử nhiễm.
Cách ly cũng được áp dụng khi muốn tách đàn gà theo nhóm tuổi. Do đó, mỗi nhóm tuổi nên có các công nhân và các thiết bị dành riêng cho chúng. Tuy nhiên, có một số thiết bị như đồ cắt mỏ, cân trọng lượng và sọt đựng gà có thể được sử dụng giữa các nhóm gà khác nhau. Các thiết bị này nên được quan tâm nhiều hơn và tiệt trùng cẩn thận hơn vì chúng có thể làm lan truyền mầm bệnh trong trại.
Sự ra vào trại cũng nên được kiểm soát, gồm cả bên ngoài và bên trong trại. Nếu bắt buộc phải đi xem xét nhiều hơn một đàn hay một nhóm tuổi trong một ngày thì nhóm gà ít tuổi nhất nên được đến thăm đầu tiên, sau đó tắm và thay đồ rồi mới tới nhóm tiếp theo. Quy trình tắm và thay đồ này nên được thực hiện giữa các lần thăm.
Tóm lại, cách phổ biến nhất để lan truyền một tác nhân gây bệnh trong trại gà là thông qua người, thức ăn, thiết bị và phương tiện vận chuyển mang mầm bệnh. Do đó, cách tốt nhất để kiểm soát các bệnh thường xảy ra là cách ly trại gà giống một cách thích hợp.
b. Vệ sinh
Chương trình vệ sinh là một phần quan trọng của chương trình an toàn sinh học, bao gồm lau dọn và khử trùng chuồng trại (trại gà và trại ấp), thiết bị trong trại, phương tiện vận chuyển, khử trùng trứng ấp,…
Lau dọn có thể được hiểu là một hành động loại bỏ các chất hữu cơ như nước phân, thức ăn, bụi và dư lượng máu bằng cách sử dụng áp lực nước cao và các chất hỗ trợ thích hợp. Khử trùng là sử dụng các sản phẩm sẽ phá hủy bất kỳ mầm bệnh nào mà nó tiếp xúc. Nên thực hiện việc lau dọn trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm khử trùng nào vì mầm bệnh thường được các chất hữu cơ bảo vệ và sự có mặt các chất hữu cơ cũng làm giảm hiệu quả của các chất khử trùng. Vì vậy, các trại gà nên xây dựng một phương cách lau dọn và khử trùng tốt nhất cho trại mình.
Các chất khử trùng phổ biến nhất là các hợp chất ammonium bậc bốn (QAC: Quaternary Ammonium Compounds), andehyt (Formaldehyde, Glutaraldehyde), các hợp chất chlorine (Sodium hypochlorite, Chlorine dioxide,…), Iodophor, Phenol và Peroxygens (Hydrogen peroxide, Paracetic acid)
Cũng có một số cách kết hợp các phân tử khác nhau như kết hợp giữa Glutaraldehyde và QAC.
Vì vậy, việc lựa chọn chất khử trùng thích hợp còn quan trọng hơn việc tìm ra mầm bệnh chính xác trong trại. Bảng dưới đây tóm tắt mức độ hiệu lực của một số chất khử trùng đối với các tác nhân gây bệnh chính trên gà.
Quản lý cùng vào - cùng ra (all in - all out) vừa làm giảm mật độ gà giữa các đàn, vừa làm tăng thêm thời gian để lau dọn và khử trùng định kỳ nhằm phá vỡ chu kỳ của bệnh. Do đó, một chương trình vệ sinh hoàn hảo bao gồm lau dọn, khử trùng và giai đoạn làm trống chuồng. Chúng tôi đề nghị các trại nên để trống ít nhất 2 tuần sau khi khử trùng để bảo đảm chương trình vệ sinh đạt hiệu quả cao nhất.
Cuối cùng, cũng nên đánh giá lại hiệu quả của quy trình lau dọn và khử trùng. Ví dụ như đối với gà giống bị phơi nhiễm với Salmonella spp., nên lấy mẫu ở những nơi đã được khử trùng và gửi đến phòng thí nghiệm. Các mẫu này nên lấy ở nền trại, thiết bị trong trại, chuồng gà, hàng rào xung quanh,…
Tóm lại, vệ sinh trại là một phần quan trọng của chương trình an toàn sinh học và khi thực hiện quy trình lau dọn và khử trùng đúng cách có thể có được kết quả tốt nhất. Hơn nữa, việc thiết lập một danh sách với các điểm chính cần được kiểm tra trong quá trình thực hiện có thể giúp các trại gà giống có được kết quả vệ sinh mong muốn.
c. Tiêm phòng
Tiêm phòng có thể được xem như một hàng rào sinh học chống lại một số tác nhân gây bệnh và có thể bảo vệ hiệu quả chống lại một số tác động tiêu cực của các vi sinh vật gây bệnh. Nói chung, tiêm phòng cho gà giống có ba mục tiêu chính: để bảo vệ sức khỏe trong suốt thời gian sống của gà giống, để cung cấp kháng thể mẹ truyền (MDA: Maternally Derived Antibodies) cho gà con và để ngăn ngừa (hay làm giảm) sự lan truyền dọc của một số vi sinh vật gây bệnh cho con cái của chúng.
Tiêm phòng chống lại bệnh Marek, bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm, bệnh cầu trùng và bệnh đậu gà được thực hiện chủ yếu để bảo vệ các gà giống bố mẹ khỏi các tác động tiêu cực của các bệnh này vì miễn dịch dịch thể thực sự có thể đi vào lòng đỏ trứng không đủ để bảo vệ gà con sau này. Tuy nhiên, các vắc-xin khác dùng để bảo vệ sức khỏe của đàn gà giống, cũng đồng thời cung cấp được kháng thể cho con cái của chúng, như vắc-xin chống lại bệnh Gumboro, bệnh Newcastle và viêm phế quản truyền nhiễm,…
Ngoài ra, cần tiêm phòng cho đàn gà giống bố mẹ chống lại bệnh thiếu máu truyền nhiễm trên gà và bệnh viêm não tủy gia cầm để cung cấp một lượng kháng thể mẹ truyền cao và đồng nhất cho thế hệ sau cũng như bảo vệ được đàn gà con trong suốt tuần lễ đầu đời của chúng.
Cuối cùng, Salmonella Enteritidis (SE: Salmonella enterica subspecie enterica serovar Enteritidis) và Salmonella Typhimurium (ST) tuy không ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn gà giống bố mẹ nhưng đây lại là tác nhân quan trọng gây ra các vấn đề an toàn thực phẩm và các bệnh ngộ độc thực phẩm trên người thông qua đàn gà đẻ trứng hay thậm chí cả đàn gà thịt. Vì vậy, hiện nay việc tiêm phòng trên gà giống để ngăn ngừa hai tác nhân này thường được khuyến khích với mục đích làm giảm đáng kể sự lây lan mầm bệnh sang thế hệ sau cũng như làm giảm sự bài thải mầm bệnh ra môi trường bên ngoài. Việc tiêm phòng này có thể được sử dụng như một phần của chương trình tiêu diệt tận gốc hai mầm bệnh SE và ST.
Tóm lại, chương trình tiêm phòng toàn diện cho gà giống nên được quan tâm không những vì dịch tể của bệnh mà còn để đáp ứng các nhu cầu của nhà chăn nuôi và sự quan tâm đến người tiêu dùng.
Hơn nữa, điều quan trọng là chương trình tiêm phòng phải phù hợp với quy định hiện hành ở mỗi nước.
d. Giám sát
Giám sát có thể được hiểu là việc đánh giá một tiến trình (hay một quy trình, một dự án,…) nhằm biết được tính hiệu quả cũng như độ tin cậy của nó. Khi có bất kỳ vấn đề nào xảy ra, chỉ cần xem xét các chi tiết theo dõi tình hình trong quá trình giám sát sẽ xác định được sai sót nằm ở đâu trong quy trình thực hiện. Do đó, giám sát thường xuyên là một phần không thể thiếu trong chương trình an toàn sinh học để giúp xác định điểm yếu của quy trình và từ đó, cho phép các nhà quản lý tìm được biện pháp khắc phục.
Viêc đánh giá sâu và có tính hệ thống này nên được thực hiện bởi những người đang tham gia vào quy trình và có kiến thức chuyên môn về mỗi mảng hoạt động (bên trong đánh giá). Một lựa chọn thú vị khác là có các tư vấn bên ngoài tham gia vào một số mảng hoạt động (bên ngoài đánh giá). Những đánh giá này bao gồm các hoạt động ở trại gà giống và tất cả các hoạt động có ảnh hưởng đến chương trình an toàn sinh học của toàn bộ quá trình sản xuất như trại ấp, nhà máy thức ăn chăn nuôi, phòng thí nghiệm,… Hơn nữa, một khi sai sót được tìm ra, trại phải có tinh thần sẵn sàng khắc phục sai sót vì chương trình an toàn sinh học sẽ vô dụng nếu không có mục tiêu rõ ràng và tiến trình kiểm tra xa hơn.
e. Kiểm tra
Một cách cơ bản, mục đích chính của việc kiểm tra tình trạng sức khỏe đàn gà giống là để đánh giá hiệu quả chương trình an toàn sinh học tại trại. Hơn nữa, việc theo dõi thường xuyên này còn đánh giá hiệu quả của chương trình tiêm phòng và đường tiêm vắc-xin bằng cách ước lượng quá trình đáp ứng miễn dịch trên gà. Cuối cùng, nó cũng cho phép xây dựng được một biện pháp để hạn chế các vấn đề vệ sinh được xác định trong đàn và mở đầu cho một cuộc điều tra sâu hơn sau này.
Một số phương pháp để kiểm tra tình trạng sức khỏe đàn gà giống. Xét nghiệm huyết thanh học có thể được sử dụng để kiểm tra sự hiện diện của một số bệnh và cho thấy hiệu quả của chương trình tiêm phòng bằng cách định lượng độ chuẩn kháng thể. Kiểm tra vi sinh được thực hiện để xác định các loại vi khuẩn như Salmonella spp. Thời gian gần đây, các phương pháp chẩn đoán phân tử được kết hợp với nhau để tăng mức độ chính xác trong việc xác định mầm bệnh và hỗ trợ chương trình giám sát. Tần số, số lượng mẫu, nguyên vật liệu và phương pháp kiểm tra nên được xác định tùy theo từng loại mầm bệnh muốn kiểm tra, mục tiêu cần kiểm tra và nguồn lực hiện có, nhưng phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành ở mỗi nước (nếu có).
Một điều cũng rất quan trọng là nên kiểm tra số liệu tăng trưởng hằng ngày của đàn, chẳng hạn như sản lượng trứng, mức tiêu thụ thức ăn và tỉ lệ chết cũng như là kiểm tra biểu hiện bên ngoài của đàn gà, như dấu hiệu cho thấy tình trạng sức khỏe của gà.
KẾT LUẬN
Có một thực tế là các chủ trại gà thịt và gà đẻ trứng chỉ tập trung gia tăng sản lượng, nhưng mối quan tâm của những người tiêu dùng cuối cùng lại là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và hàm lượng các chất tồn dư trong thịt và trứng. Vì thế, các biện pháp phòng bệnh trở nên rất quan trọng trong bất kì hệ thống chăn nuôi nào và do đó, một chương trình an toàn sinh học phù hợp có thể tạo ra sự khác biệt giữa thành công và thất bại hoàn toàn của một trại gà giống.
Ngoài ra, cũng nên nhớ rằng chương trình an toàn sinh học là một chuỗi những quy trình cần được tuân thủ chặt chẽ, bao gồm cách ly, vệ sinh, tiêm phòng, giám sát và kiểm tra; và khi có vấn đề xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào, hiệu quả của chương trình an toàn sinh học sẽ chỉ đạt được bằng với giai đoạn có hiệu quả thấp nhất. Điều quan trọng để đạt được hiệu quả đầy đủ nhất cần phải có những người tham gia thực hiện có trình độ và hiểu rõ về chương trình.
Điều cuối cùng nên biết là chương trình an toàn sinh học không phải là một chương trình tĩnh (không thay đổi). Thật ra, nó lại khá năng động, dễ thay đổi để hỗ trợ các trại gà giống đạt được mục tiêu của mình và do đó, nó luôn được liên tục sửa đổi và cập nhật (nếu cần thiết).