Lợn nái sinh sản có hai giai đoạn quan trọng là mang thai và tiết sữa nuôi con. Có những yêu cầu nuôi dưỡng hoàn toàn khác nhau cho mỗi giai đoạn:
- Giai đoạn mang thai cần cho ăn với một số lượng thức ăn hợp lý để lợn không quá béo trước khi vào đẻ.
- Giai đoạn tiết sữa nuôi con cần cho lợn mẹ ăn được một lượng thức ăn tối đa để lượng sữa tiết được nhiều nhất, giúp lợn con khỏe mạnh và tăng trưởng tốt nhất.
Trong giai đoạn nái mang thai nếu cho ăn nhiều thì lợn sẽ quá béo. Lợn giai đoạn này quá béo, nhất là trước khi vào đẻ sẽ có nhiều tác hại.
Trước hết là lợn giảm ăn khi vào giai đoạn tiết sữa nuôi con, dù thức ăn lúc nào cũng đầy máng, chúng cũng ăn ít, thức ăn bỏ lại nhiều; ăn ít thì cơ thể hao mòn nhiều. Mặt khác lợn mang thai quá béo cũng làm cho tuyến vú phát triển kém, giảm sản lượng sữa sau khi sinh con.
Sữa ít thì sức lớn của lợn con giảm, khối lượng cai sữa thấp. Khối lượng cai sữa của lợn con cao hay thấp có quan hệ với tăng trưởng sau này của lợn nuôi thịt. Người ta đã tính rằng khối lượng cai sữa giảm 1 kg so với bình thường thì để đạt khối lượng xuất bán (90 kg) phải tốn thêm 10 ngày nuôi nữa, nhưng khối lượng cai sữa tăng 1 kg thì sẽ giảm được 10 ngày nuôi để đạt khối lượng xuất bán.
Tóm lại: ± 1 kg khối lượng cai sữa = ± 10 ngày để đạt khối lượng xuất bán.
Lợn mẹ hao mòn cơ thể nhiều thì làm cho thời gian chờ phối (số ngày từ khi cai sữa lợn con cho đến khi phối giống trở lại) kéo dài ra. Một nghiên cứu trên lợn mẹ đang tiết sữa nuôi con cho biết: nếu hao cơ thể lợn mẹ trong thời kỳ này là 20-25 kg thì thời gian phối giống trở lại nằm trong khoảng 5-7 ngày, nhưng nếu hao mòn cơ thể lợn mẹ là 30-35 kg thì thời gian phối giống trở lại kéo dài tới 10-15 ngày. Thời gian chờ phối càng kéo dài thì càng làm giảm số lứa đẻ của lợn nái trong năm.
Tuy nhiên, trong giai đoạn mang thai nếu cho ăn quá ít thì cũng không tốt, lợn mẹ sẽ gầy yếu, con đẻ ra có khối lượng sơ sinh thấp. Khối lượng sơ sinh của lợn con có quan hệ với khối lượng lợn cai sữa. Theo tính toán nếu khối lượng sơ sinh giảm hơn bình thường 100g thì khối lượng cai sữa cũng sẽ giảm 200g, ngược lại khối lượng sơ sinh cao hơn bình thường 100g thì khối lượng cũng cai sữa sẽ tăng 200g.
Tóm lại: ± 100g khối lượng sơ sinh = ± 200g cai sữa.
Khối lượng lợn sơ sinh thấp không những làm giảm tăng trưởng của lợn trong thời gian bú sữa mà lợn còn dễ nhiễm bệnh, tỷ chết thường cao hơn so với những lợn có khối lượng sơ sinh cao.
Như vậy để lợn mang thai không quá gầy hoặc quá béo thì lượng thức ăn cung cấp hàng ngày cho chúng phải được điều chỉnh theo thể trạng của lợn.
Thể trạng của lợn theo quy trình nuôi dưỡng hiện nay được xác định theo điểm thể trạng (ĐTT). Có 5 thang ĐTT đánh số từ 1 đến 5 căn cứ vào hình vóc và tình trạng béo gầy của lợn.
Bảng dưới đây cho biết cách đánh giá đó.
Bảng cho điểm thể trạng
Vị trí | Hệ thống chấm điểm | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | |
Xương sống Xương chỏm và xương khấu đuôi Xương chậu | Nhìn thấy xương sống rõ ràng Chỏm sâu xung quanh khấu đuôi Nhìn thấy rõ | Nhìn thấy nhưng phải sùng tay ấn vào Chỏm rộng xung quanh khấu đuôi Nhìn thấy | Không nhìn thấy, lưng đầy và dầy Chỏm bằng không có độ sâu Không nhìn thấy, phải dùng tay ấn xuống mới sờ thấy được | Khó sờ tìm được xương sống Có lớp mỡ nên chỏm dô ra Xương chậu nằm sâu, dùng tay ấn mạnh xuống mới thấy | Rất khó sờ tìm được xương sống Có lớp mỡ dày Xương chậu nằm rất sâu, phải dùng tay ấn mạnh mới thấy được |
Hình sau đây minh họa rõ hơn thể trạng của lợn theo các thang điểm khác nhau. Điểm thể trạng thường tương ứng với độ dày mỡ lưng đo ở xương sườn số 10 (đo bằng máy siêu âm).
Căn cứ vào thể trạng của lợn mang thai mà điều chỉnh lượng thức ăn, lợn gầy thì cho ăn nhiều, lợn béo thì cho ăn ít. Nếu dùng thức ăn hỗn hợp cho lợn nái mang thai thì ở giai đoạn mang thai 0-84 ngày, lợn béo cho ăn 2,0 kg còn lợn gầy cho ăn 2,5 kg và ở giai đoạn mang thai 84-114 ngày thì lợn béo cho ăn 3,0 kg, lợn gầy cho ăn 3,5 kg thức ăn. Cần đảm bảo điểm thể trạng theo tiêu chuẩn sau (tiêu chuẩn này áp dụng cho lợn ngoại):
Lợn mẹ từ khi cai sữa con đến lúc phối giống trở lại: 2,5 - 3,0
Lợn mang thai 84 ngày : 2,5 - 3,0; tương ứng với độ dầy mỡ lưng là 18-20m/m
Lợn trước khi đẻ : 3 - 3,5; tương ứng với độ dầy mỡ lưng là 20-23m/m
Ngoài việc đánh giá thể trạng lợn, người ta còn có thể đánh giá diễn biến thể trọng của lợn bằng cách dùng công thức ước tính như sau:
Y = 4,07x – 333
Y là thể trọng lợn tính bằng kg còn x là chu vi vòng cổ của lợn tính bằng cm (dùng thước dây). Ví dụ : chu vi vòng cổ đo được là 120 cm thì thể trọng của lợn là :
Y (kg) = 4,07 x 120 – 333 = 155,4
Cách làm này đơn giản và kết quả thu được sai lệch rất ít so với phương pháp cân trên cân chuyên dụng.
Thể trọng của lợn nái mang thai tăng lên khoảng 40-50kg tính đến trước khi đẻ đối với lợn nái ngoại là thích hợp. Nuôi dưỡng để lợn mang thai tăng cân trên mức này thì không tốt.
Để tránh lợn nái mang thai quá béo ngoài việc điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày cho phù hợp với điểm thể trạng còn cần điều chỉnh tỷ lệ xơ trong hỗn hợp thức ăn. Tỷ lệ xơ trong khẩu phần lợn nái mang thai cần đảm bảo mức 9% thay vì mức 4-5% như nhiều công thức thức ăn hiện nay vẫn áp dụng. Khẩu phần cũng cần bổ sung thêm vitamin A và E (đảm bảo mỗi kilo thức ăn có 25.000 IU vitamin A và 80 IU vitamin E).
Tỷ lệ xơ trong khẩu phần cao có tác dụng làm giảm lượng thức ăn tiêu thụ, nhờ đó hạn chế được tăng trọng nhanh của lợn trong thời kỳ mang thai, tránh cho lợn quá béo. Nhiều thí nghiệm cho biết khẩu phần có tỷ lệ xơ cao đã làm cho mỗi ổ tăng thêm được 0,1 đến 0,3 đầu lợn nuôi đến cai sữa. Ngoài ra cũng làm cho tỷ lệ lợn mắc bệnh MMA giảm thấp (bệnh MMA là bệnh viêm tử cung, viêm vú và mất sữa ở lợn nái, ở nước ta tỷ lệ mắc bệnh này ở đàn nái ngoại lên tới 40%).
GS Vũ Duy Giảng