Home » » Hướng Dẫn Cách Đọc Một Bài Báo Khoa Học

Hướng Dẫn Cách Đọc Một Bài Báo Khoa Học

Written By Chăn Nuôi on Wednesday, June 19, 2013 | 6:29 AM

Ph.D. Mary Purugganan
Ph.D. Jan Hewitt

Đọc một bài báo khoa học (scientific article) là một công việc phức tạp. Cách đọc dở nhất là giống như đọc sách giáo khoa – đọc từ tiêu đề đến các đoạn trích dẫn, đọc hết từng từ một từ trên xuống dưới mà không có chút phản ánh hoặc bình luận nào. Cách đọc đúng là bắt đầu đọc lướt qua để nắm được cấu trúc và nội dung chính của bài báo đó. Khi đọc, hãy nhìn vào những điểm chính mà tác giả đề cập đến. Các câu hỏi phát sinh trước, trong và sau khi đọc. Đưa ra những suy luận dựa trên kiến thức riêng của bản thân. Và để thực sự hiểu và ghi nhớ được vấn đề, hãy ghi chú chi tiết những gì bạn đọc được.

1- Đọc lướt qua và xác định cấu trúc của bài báo:

Hầu hết các bài báo khoa học đều sử dụng cấu trúc IMRD truyền thống: Chúng sẽ có một phần tóm tắt, theo sau là Lời giới thiệu (Introdution), Phương pháp (Methods), Kết quả (Results) và Thảo luận (Discussion). Mỗi một phần thông thường gồm những đặc điểm dễ nhận biết. Nếu đọc phần tóm tắt những đặc điểm này trước, bạn sẽ nhanh chóng nắm bắt được nội dung bài báo đó.

Đặc điểm của phần tóm tắt
Phần tóm tắt thường chứa đựng bốn loại thông tin sau:

- Mục đích hoặc lý do cơ bản của nghiên cứu (tại sao chúng tôi lại thực hiện nghiên cứu này).
- Phương pháp luận (chúng tôi thực hiện nghiên cứu này theo cách thức nào).

- Kết quả đạt được (chúng tôi tìm thấy gì).
- Phần kết luận (nghiên cứu này có ý nghĩa gì).

Đa số các nhà khoa học đều đọc phần tóm tắt trước tiên. Một số khác – đặc biệt là các chuyên gia trên lĩnh vực nào đó – lướt qua tiêu đề rồi đến hình ảnh, bởi vì trong một số trường hợp hình ảnh cho người đọc biết được các dạng thí nghiệm đã thực hiện và kết quả đạt được. Do vậy, khi đọc một bài báo khoa học, bạn nên bắt đầu đọc phần tóm tắt một cách thật cẩn thận và ghi chú bốn loại thông tin đã liệt kê ở trên. Sau đó lướt nhanh qua các hình minh họa và cuối cùng là đọc hết phần còn lại.

Đặc điểm của phần giới thiệu
Phần giới thiệu có hai mục đích: (i) làm cho người đọc quan tâm vào đề tài sẽ được trình bày và (ii) cung cấp cho họ đủ thông tin để hiểu được cả bài báo. Nhìn chung, phần giới thiệu đạt được mục đích này bằng cách dẫn dắt người đọc từ thông tin chung (những điều đã biết về đề tài) đến thông tin riêng biệt (những điều chưa biết về đề tài), các điểm trọng tâm (tác giả đã đưa ra những câu hỏi gì và giải quyết chúng như thế nào). Như vậy, tác giả sẽ mô tả các công trình đã được thực hiện trước đây dẫn đến những hiểu biết hiện tại của đề tài (cái đã biết) và sau đó sẽ định ra công việc của mình (cái chưa biết) trong lĩnh vực này.


Đặc điểm của phần phương pháp
Phần phương pháp cho chúng ta biết các thí nghiệm đã thực hiện để trả lời cho vấn đề đặt ra ở phần giới thiệu. Phần này thường là khó đọc. Ở đây tác giả sẽ trình bày bằng ngôn ngữ chuyên môn với mức độ chi tiết thích hợp đủ để các nhà khoa học đã qua đào tạo có thể thực hiện lại những thí nghiệm này. Tuy nhiên, bạn có thể hiểu đầy đủ hơn về thiết kế của những thí nghiệm được trình bày và đánh giá được tính hợp lệ của chúng bằng cách đọc cẩn thận phần phương pháp.

Đặc điểm của phần kết quả và kết luận
Phần kết quả chứa đựng các kết quả đạt được – trình bày những điều đã khám phá và dữ liệu được thể hiện trong các hình minh họa (hình và biểu đồ). Thông thường, tác giả không đưa ra các thông tin cần được tham khảo như là so sánh với các kết quả khác. Thay vào đó, thông tin tham khảo sẽ được đặt ở phần thảo luận – đặt công trình này trong phạm vi bao quát hơn của lĩnh vực đang nghiên cứu. Phần thảo luận cũng có chức năng cung cấp câu trả lời rõ ràng cho vấn đề được nêu ra ở phần giới thiệu và giải thích cho người đọc thấy được sự đóng góp của kết quả đạt được đối với phần kết luận.

Cấu trúc không điển hình
Ngoài cấu trúc truyền thống như trên, bạn cũng sẽ gặp một số bài báo khoa học có cấu trúc khác. Ví dụ, các bài báo trên tạp chí Nature thường bắt đầu bằng phần tóm tắt, tiếp theo sau là nội dung chính của bài. Tuy nhiên, khi đọc bạn sẽ thấy rằng phần “tóm tắt” là phần tóm lược công trình đã được phần giới thiệu nói bao quát (với mục đích lôi kéo sự chú ý của đông đảo độc giả) và đoạn kế tiếp bắt đầu bằng việc mô tả các thí nghiệm.

Vì thế, khi bắt đầu đọc một bài báo khoa học, hãy lướt qua để phân tích toàn bài. Các phần trong bài có được gắn tiêu đề nhằm xác định cấu trúc hay không? Nếu không thì hãy ghi chú cấu trúc của nó. Xác định đoạn nào chứa đựng nội dung cốt lõi và quan trọng nhất cần nắm bắt. Sau đó xác định trật tự các phần để đọc.

2- Phân định những luận điểm chính:
Vì các bài báo chứa đựng rất nhiều thông tin, cho nên có thể bạn sẽ gặp khó khăn khi phân biệt những luận điểm chính giữa nhiều điểm không quan trọng. Nhưng may cho chúng ta là có nhiều cách để chỉ ra những điểm chính mà tác giả muốn đề cập đến:

Ở cấp độ toàn bài
- Tiêu đề
- Tóm tắt

- Các từ khóa
- Các hình minh họa (đặc biệt là tiêu đề hình vẽ và biểu đồ)
- Câu đầu tiên hoặc một hai câu kết thúc của phần giới thiệu

Ở cấp độ đoạn: các từ, cụm từ hoặc mệnh đề gợi ý: thường bắt đầu như
- Điều ngạc nhiên là
- Điều gây bất ngờ là
- Khác với các công trình trước đó
- Ít khi được nói đến
- Chúng tôi xây dựng giả thiết rằng
- Chúng tôi phát triển
- Chúng tôi đề xuất
- Chúng tôi giới thiệu
- Dữ liệu này gợi ra

3- Các câu hỏi phát sinh:
Đọc là một công việc tích cực. Trước và trong khi đọc, hãy tự hỏi các câu như là:


- Tác giả này là ai? Tạp chí nào? Công trình này có đáng tin cậy không?
- Tôi có thời gian để hiểu tất cả các thuật ngữ này không?
- Tôi có phải đọc lại một bài nào đó hoặc xem lại tài liệu nào đó để có thể hiểu hơn về công trình này không?
- Tôi có dành nhiều thời gian để đọc những phần ít quan trọng của bài báo này không?
- Tôi có thể trao đổi với ai về những phần còn lúng túng trong bài báo này?

Sau khi đọc, hãy tự hỏi những câu:
- Bài nghiên cứu này chỉ ra vấn đề gì? Tại sao nó lại quan trọng?
- Phương pháp được sử dụng ở đây có phải là phương pháp tốt hay không? Phương pháp nào là tốt nhất?
- Khám phá của công trình này là gì? Tôi có thể tổng kết chúng bằng một, hai câu được không?
- Các khám phá này có được các bằng chứng có sức thuyết phục chứng minh hay không?
- Có cách thể hiện dữ liệu nào khác mà tác giả không đưa ra hay không?

- Các khám phá này có là duy nhất/mới/bất thường hoặc khuyến khích/giúp ích cho các công trình khác trong lĩnh vực này hay không?
- Mối liên hệ của những kết quả này đối với công trình mà tôi quan tâm như thế nào? Đối với công trình khác mà tôi đã đọc thì như thế nào?
- Một vài ứng dụng đặc biệt của những ý tưởng được đưa ra ở đây là gì? Về sau này sẽ có thí nghiệm nào trả lời câu hỏi còn lại hay không?

4- Đưa ra suy luận:
Không phải mọi thứ bạn cần đều được phát biểu một cách rõ ràng trong bài báo. Khi đọc, hãy dựa vào kiến thức riêng và chung của mọi người về vấn đề này cùng với nền tảng kiến thức được cung cấp trong bài để đưa ra những suy luận từ những nội dung được trình bày. Các nghiên cứu đã cho thấy người đọc nào tích cực đưa ra suy luận thì sẽ có thể hiểu và nhớ thông tin tốt hơn.

Ví dụ bên dưới là một trích đoạn từ lời giới thiệu của một bài báo đăng trên tạp chí Biochemistry (Ballestar et al.,2000). Phần in nghiêng là các câu hỏi và suy luận mà một sinh viên có thể đưa ra khi đọc.

“Hội chứng Rett là một rối loạn về sự phát triển thần kinh thời thơ ấu và là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của sự chậm phát triển tâm thần của nữ giới Hừm… chắc là có liên quan đến gen trên nhiễm sắc thể X đây, với tử lệ mắc phải từ 1/10.000 đến 1/50.000. Nó phổ biến như thế sao? Không xảy ra với mình nhưng chắc là nhiều đứa trẻ sinh ra ở Houston mỗi năm mắc phải. Các bệnh nhân của hội chứng Rett có đặc trưng chung là có một giai đoạn phát triển bình thường trong khoảng từ 6 – 18 tháng, tiếp theo đó là một sự giật lùi với việc mất khả năng nói và cử động có mục đích của bàn tay. Chuyện gì xảy ra vậy kìa? Phải có cái gì đó bị thúc đẩy hay kích hoạt ở những đứa trẻ chậm phát triển này. Các bệnh nhân cũng phát triển chứng lên cơn, tự kỷ và mất điều hòa. Sau sự giật lùi ban đầu, tình trạng đó trở nên ổn định và bệnh nhân sống sót đến tuổi trưởng thành. Những nghiên cứu về các trường hợp trong cùng gia đình cho thấy rằng hội chứng Rett do những đột biến trội về liên kết của nhiễm sắc thể X trong gen phụ thuộc vào sự khử hoạt nhiễm sắc thể X. Mới đây, một nghiên cứu cho thấy rằng một số thay đổi trong gen đang mã hóa methyl-CpG liên kết với gen ức chế sao chép lại MeCP2 có liên quan đến hội chứng Rett. Chắc chắn những thay đổi của  MeCP2 gây ra hội chứng Rett. Đây chắc hẳn là một yếu tố điều chỉnh quan trọng ảnh hưởng đến rất nhiều quá trình trong não. Không biết họ đã biết gì về nó nhỉ…

5- Ghi chú khi đọc:
Người đọc có hiệu quả sẽ ghi chú khi đọc – điều này giúp ích rất nhiều cho việc ghi nhớ và hiểu vấn đề. Có thể bạn cho rằng mình sẽ nhớ mọi thứ đã đọc khi nghiên cứu những phần được lớp phân công, các bài báo chuyên ngành, các đề cương giới thiệu (proposal) hoặc luận án của mình, nhưng thực ra bạn sẽ không thể nhớ được các chi tiết.  Hãy tự xây dựng cho mình một khuôn mẫu ghi chú dựa trên bài báo bạn đọc hoặc sử dụng mẫu dưới đây để ghi chú khi đọc. Khi đã tích lũy một số lượng lớn các bài báo, mẫu này sẽ giúp bạn phân định chúng và nhanh chóng xác định được phần nào cần tham khảo khi viết bài. Thời gian dành điền vào mẫu này sẽ giúp bạn tiết kiệm hàng giờ đọc lại khi viết một sườn bài (Background), một công trình có liên quan (Related Work) hoặc một bài tổng quan (Literature Review).


Mẫu dùng để ghi chú khi nghiên cứu các bài báo nhằm giúp các bạn dễ dàng truy cập sau này
Bất cứ khi đọc một bài báo, một chương sách nào đó hoặc tìm kiếm tài liệu trên mạng, hãy sử dụng mẫu sau đây (hoặc mẫu tương tự) để ghi lại những ghi chú cần thiết để sau này dễ truy cập. Hãy đặt dấu ngoặc kép cho bất kỳ từ trích dẫn chính xác nào mà bạn viết ra để có thể tránh việc đạo văn vô ý khi trích dẫn vào bài của mình.

Trích dẫn đầy đủ. Tên tác giả, ngày xuất bản, tựa (sách hoặc bài báo), tên tạp chí, số phát hành, trang số:


Nếu là truy cập trên mạng: ghi rõ thuộc trang web nào, ngày tháng truy cập.
Các từ khóa:
Chủ đề chung:

Chủ đề riêng:
Giả thuyết:
Phương pháp luận:
Các kết quả:

Tóm lược các điểm chính:

Phạm vi (mối liên hệ giữa bài này với các công trình khác trong cùng lĩnh vực như thế nào; nó liên kết với các vấn đề chủ chốt và các khám phá khác ra sao, kể cả của bản thân bạn):
Ý nghĩa (đối với lĩnh vực này; đối với công trình của bạn):

Những hình ảnh hoặc biểu đồ quan trọng (mô tả ngắn gọn; ghi lại trang số):
Các tham khảo được trích dẫn theo sau đó (trích dẫn bất cứ bài báo nào liên quan đến đề tài về ADN của bạn mà những người khác thường trích dẫn bởi vì những công trình này có thể sẽ là những nguồn chứng cứ rất cần thiết khi bạn phát triển công trình của mình):

Các chú thích khác:
Tài liệu tham khảo

- Ballestar, E., Yusufzai, T.M., và Wolffe, A.P. (2000) bài Effects odd Rett Syndrome Mutations of the Methyl-CpG Binding Domain of the Transcriptional Repressor MeCP2 on Selectivity for Association with Methylated DAN. Tạp chí Biochemistry số 31, 7100-7106.
- Burnett, R. (2001) tạp chí Technical Communication số 5 ed. San Antonio: Harcourt College Publishers.
- Zeiger, M. (2000) tạp chí Essentials of Writting Biomedical Research Papers  số 2 Ed. St. Louis: McGraw-Hill.
Được Dự án Cain Project for Engineering and Professional Communication Rice University,2004 hỗ trợ.

Làm thế nào để đọc kỹ một bài báo khoa học?

I. Chức năng của các phần trong một bài báo
Trong một bài báo thường bao gồm các phần chính với những chức năng như sau:

1. Title (tiêu đề): Tiêu đề cung cấp thông tin về những gì bài báo sẽ đề cặp một cách cô động nhất, nó cho phép ta có quyết định đọc bài báo đó nữa hay không.

2. Authors (Tác giả): Cho ta biết ai là người đã thực hiện công trình, ai là người chịu trách nhiệm chính.

3. Abstract (tóm tắt): Phần này tổng kết những kết quả của bài báo, và đôi khi có một chút ít giải thích.

4. Introduction (mở đầu hoặc giới thiệu): Xác định khuôn khổ của bài báo, tại sao bài báo lại quan trọng? những vấn đề nào được quan tâm?

5. Materials and methods hoặc experimental (tư liệu và phương pháp luận hoặc kỹ thuật thực nghiệm): Phần này đưa ra những chi tiết về tư liệu và phương pháp thực hiện hoặc phương pháp thực nghiệm, được sử dụng.

6. Kết quả: Báo cáo những gì mà tác giả thực tế đã tìm ra. Số liệu này có thể là hình vẽ, bảng biểu hoặc ảnh.

7. Thảo luận
Phần này gồm có 2 vấn đề:
- Đó chính là sự thích hợp của thực nghiệm
- Mối quan hệ với các công trình khác.

8. Phần tài liệu tham khảo.
- Phần này liệt kê những công trình liên quan, nó cũng tương đối quan trọng đối với người đọc báo, bạn có thể sẽ kiếm được những thông tin sâu hơn rộng hơn về vấn đề đang quan tâm từ phần này

II. Các bước khi đọc một bài báo hoặc nghiên cứu một tài liệu khoa học
Có nhiều kiểu đọc một bài báo khoa học, đọc kiểu gì phụ thuộc vào thông tin người đọc cần. Dưới đây là cách đọc kỹ càng một bài báo khoa học.
Một chiến lược chung để đọc và hiểu một bài báo khoa học là đọc những dữ liệu trong bài báo một cách nghiêm túc. Có hai chủ tố cơ bản cho chiến lược này là:
- Thứ nhất: Cần phải đặt những câu hỏi về những gì đề cặp trong bài báo như: về phương pháp thực hiện, số liệu, đồ thị, khái niệm,….) và cố gắng trả lời những câu hỏi này sau khi đã phân tích kĩ bài báo.
- Thứ hai: Cần liên kết những thông tin từ bài báo đến khối lượng lớn kiến thức hiểu biết của mình. Chủ tố thứ hai này đạt được một cách thành công bằng việc rút ra một mô hình minh họa về “cái thực tế mới” mà bài báo tiết lộ.

Đọc cẩn thận một bài báo gồm các bước chính sau đây
Bước 1. Hãy nhìn vào các hình vẽ, bảng biểu, đồ thị,…
Trước khi đọc một bài báo, hãy nhìn vào và cố gắng hiểu mỗi hình vẽ, bảng biểu, đồ thị. Những dữ liệu này là điểm trọng tâm của bài báo. Phần chữ viết sẽ giúp bạn hiểu chúng một cách hoàn thiện, bước này chỉ đặt bạn vào “mô hình đặt câu hỏi” và giúp bạn tiến đến bắt đầu với với việc xem xét kỹ lưỡng bài báo.

1. Hãy nhìn vào mỗi hình vẽ, đồ thị, hoạc bẳng và cố gắng hiểu cái gì đang được trình bày. Đọc những lời ghi chú, những chú thích trên mõi mảnh số liệu đó.

2. ghi chú ngắn gọn những gì bạn hiểu về mỗi một hình vẽ, ví dụ như cái gì đã được đo đạc? họ dùng kỹ thuật nào để đưa ra được số liệu này? Nhũng biến số độc lập, biến số phụ thuộc và những kết quả đối chứng là gì,..). nếu như bạn hiểu khái niệm ẩn chứa trong những kỹ thuật khác nhau để tạo ra các số liệu trong bài báo, hãy xác định chúng. Còn nếu như bạn không hiểu về các kỹ thuật này thì hãy học chúng trước khi cố gắng đọc bài báo đó nhé. Việc tìm tài liệu về các kỹ thuật này hoàn toàn không khó, bạn có thể tìm từ sách chuyên ngành hoặc search trên mạng.

3. Hãy viết một những câu hỏi rõ ràng về những thứ bạn không hiểu. Ví dụ như: Mũi của người Hàn và người Việt có khác nhau không? sau đó bạn đặt câu hỏi tiếp, tại sao mũi của bọn hàn lại nhỏ hơn người Việt? Tiếp đến, Yếu tố nào tạo nên sự khác nhau đó? Khí hậu, gen di truyền?,… Cứ như thế, bạn hãy cố gắng trả lời những câu hỏi này dựa trên những hiểu biết của bạn.

4. Sau khi kết thúc việc đọc các hình vẽ, bẳng biểu, đồ thị, hãy đoán xem phương pháp nào họ sẽ trình bày ở phần kỹ thuật thực nghiệm (hay phương pháp và tư liệu). Một lần nữa, nếu bạn không hiểu về những kỹ thuật được trình bày ở phần này, không hiểu kết quả được làm như thế nào, thì thật là khó mà hiểu được công trình nghiên cứu của họ. Hãy nghiên cứu thêm về các kỹ thuật đó trước khi bắt đầu đọc báo nhé.

Bước 2.
1. Hãy đọc bài báo một lượt từ đầu đến cuối

2. Đánh dấu hoặc dùng bút bôi (highlight) tất cả những chỗ mà một trong những câu hỏi dễ hơn của bạn được trả lời.

3. Trình bày rõ ràng chính xác những câu hỏi mới về những thứ mà bạn không hiểu. Hãy chắc chắn rằng bạn rất rõ về những câu hỏi của bạn.

Bước 3. Phân tích
Phân tích là bước tối quan trọng để hiểu được những gì hiện hữu trong một bài báo.

Phân tích gồm các bước sau đây:
1. Những hiểu biết quan trọng trước tiên/Những điều hiện tại không biết:
Những kiến thức chuyên môn nào là cơ sở cho những thực nghiệm được báo cáo trong bài báo. Thông thường, Bạn có thể tìm thấy những thông tin này ở phần mở đầu (introduction). Bạn hãy tự hỏi là: cái gì được biết và cái gì vẫn chưa được biết về cái nghiên cứu này.

2. Những Khả năng và Giả thiết:
Tất cả các công trình được định hướng bởi một giả thiết và một hoặc nhiều giả thiết có thể được chọn để thay thế. Tất cả các giả thiết định hướng cho công trình nghiên cứu này.

3. Giả định rõ ràng và giả định ẩn:
Thường thì tác giả sẽ nói với bạn rằng hộ giả sử một cái gì đó sẽ ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng đến kết quả thực nghiệm của họ, đó là giả định rõ ràng. Cũng có thể một vài giả định được tác giả gợi ý (giả định ẩn), những giả định này thường không rõ ràng. Bạn hãy xác định tất cả các giả định đã được tạo ra trong bài báo đó và nói rằng tại sao bạn đồng ý hoặc không đồng ý với chúng. ghi chú: Các giả thiết là những thú được kiểm tra trong công trình nghiên cứu và giả định là những thứ không được kiểm tra. Bạn cần phân biệt ý nghĩa của hai từ này nhé.

4. Những yếu tố chứng minh hoặc không chứng minh:
Những câu hỏi nào đã được trả lời và những giả thiết nào đã được chứng minh hoặc không được chứng minh trong quá trình tiến hành nghiên cứu? Hãy xem lại số liệu và đọc lại phần kỹ thuật thực nghiệm và kết quả.

Phương pháp nào thích hợp? họ có cung cấp bằng chứng để chứng minh giả thiết hay không? số liệu nào được làm sáng tỏ một cách đúng đắn? Một điều quan trọng cần lưu ý là không phải cứ bài báo nào được đăng đều có độ tin tưởng cực cao.

Hãy nhớ rằng bạn đang được đào tạo để chở thành một nhà khoa học. Vì thế Số liệu trong bài báo cần thuyết phục được bạn rằng chúng chứng minh những giả thiết mà tác giả bài báo đưa ra.

5. Công trình này thay đổi thực tế?
Những số liệu trong bài đáo đã chứng minh những giả thiết nào? có thể giải thích được tại sao có hoặc không? Công trình này có một đóng góp có ý nghĩa hay chỉ rất nhỏ vào “ngôi đền” khoa học? những nghiên cứu này có thể ứng dụng để làm nên những việc to lớn hay không? Công trình này đã làm thay đổi hiểu biết của chúng ta như thế nào? Hãy vẽ hai mô hình dạng đồ họa, mô hình thứ nhất mô tả những gì đang quan tâm trước khi công trình này thực hiện và mô hình thứ hai mô tả sau khi công trình này thực hiện, sau đó so sánh xem 2 mô hình này khác nhau ở chỗ nào, và rút ra được kết luận công trình này đã thay đổi thực tế gì?

6. Bước tiếp theo
Khi một giả thiết nào đó được chứng minh, nó luôn kèm theo những câu hỏi, những vấn đề mới được phát sinh, đây là một sự xuất hiện tự nhiên trong nghiên cứu khoa học. Hãy đặt ra một vài câu hỏi mới trong đầu bạn, hãy tiên đoán những thực nghiệm mới có thể được làm để trả lời cho các câu hỏi đó, Sẽ có bao nhiêu thực nghiệm mới cần phải tiến hành để đưa ra sự minh chứng trong tương lai cho các giả thiết trước đây.
Chia sẻ bài viết: :
 
Thiết kế bởi: Free Blogger Templates | VNBLOGGER | Thư viện Online | Tin khuyến mại | Sổ tay Online Xem Phim: Phim Ánh Trăng
Copyright © 2016. Nông Nghiệp - By Blogger.com