Home » , » Áp dụng tưới tiết kiệm toàn miền Trung

Áp dụng tưới tiết kiệm toàn miền Trung

Written By Anonymous on Monday, June 24, 2013 | 12:10 AM

Tại Hội nghị triển khai giải pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn và tưới tiết kiệm nước đối với lúa khu vực miền Trung diễn ra tại Bình Định chiều 7/6, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã chỉ đạo ngành nông nghiệp các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận học tập kinh nghiệm tưới tiết kiệm từ Bình Định.
Giảm 25% lượng nước tưới
 Áp dụng tưới tiết kiệm toàn miền Trung
Hiệu quả của giải pháp tưới tiết kiệm được thể hiện rõ từ vụ ĐX 2012-2013 và tiếp tục khẳng định ở vụ HT tại Bình Định. Bước vào SX vụ ĐX 2012-2013, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh này chỉ đạt khoảng 39% dung tích thiết kế. Các dòng sông cũng cạn kiệt, dòng chảy trên các sông giảm thấp, chỉ đạt khoảng 20% so trung bình cùng kỳ nhiều năm.
Cty TNHH KTCTTL Bình Định đã cấp tốc đề ra các giải pháp chống hạn, trong đó giải pháp sử dụng nước tiết kiệm được phổ biến rộng rãi. Khu tưới của hồ chứa nước Hội Sơn ở huyện Phù Cát nạn thiếu nước xảy ra nghiêm trọng nhất. Hồ này được xây dựng vào năm 1984, dung tích chứa 44,50 triệu m3, có nhiệm vụ tưới cho 4.100 ha/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, hồ này đang phải tưới 8.100 ha/năm.
Đầu vụ ĐX 2012-2013, hồ Hội Sơn chỉ trữ được có 8,43 triệu m3 nước, đạt 20% dung tích thiết kế. Trước tình hình này, sẽ có 1.121/1.647 ha lúa trong khu tưới của hồ Hội Sơn thuộc 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ phải đối mặt với khô hạn.
“Chúng tôi thông báo tình hình thiếu nước trong hệ thống, sau đó phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền việc thực hiện sử dụng nước tiết kiệm trong quá trình tưới. Bên cạnh đó, thành lập các hội đồng phân phối nước và các tổ quản lý đường nước ở từng tuyến kênh trên địa bàn từng xã để phân phối, quản lý nước, tuyệt đối không để nông dân tự ý lấy nước.
Sau đó tổ chức tưới luân phiên, phân phối nước hợp lý. Từng đợt tưới, chúng tôi quy định và khống chế mức tưới cũng như lượng nước tưới tại đầu kênh cho từng cánh đồng”, ông Nguyên Văn Phú, GĐ Cty TNHH KTCTTL Bình Định, cho biết.
Theo ông Phú, trong vụ ĐX 2012-2013, Cty TNHH KTCTTL Bình Định đã áp dụng triệt để phương pháp tưới theo kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi và tưới ướt - khô xen kẽ, nhất là tại khu tưới hồ Hội Sơn. Giải pháp này, nước được cấp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Việc mở cấp nước, điều tiết phân phối nước được thực hiện từng đợt cho từng khu tưới.
Để nông dân nắm bắt được kỹ thuật tưới tiết kiệm, Cty TNHH KTCTTL Bình Định đã in hơn 10.000 tờ rơi phân phát đến từng thôn, xóm. “Lượng nước tưới cung cấp tại cống đầu mối trong vụ ĐX 2012-2013 đã giảm khoảng 25% so các năm. Nhờ lượng nước tiết kiệm được, trong hệ thống hồ Hội Sơn, chúng tôi đã tưới tăng thêm được cho 1.057 ha lúa so kế hoạch, chỉ phải bỏ trắng không SX có 64 ha. Trong vụ hè thu này chúng tôi tiếp tục áp dụng phương pháp tưới nói trên”, ông Nguyễn Văn Phú cho biết thêm.
Nhân rộng mô hình
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, kỹ thuật tưới tiết kiệm đã có mặt tại Việt Nam từ thập niên 60 (TK 20). Tuy nhiên, do thời điểm ấy hạn hán ít xảy ra nên chẳng mấy ai áp dụng. Bây giờ, khi hạn hán ngày càng khó lường, việc áp dụng giải pháp tưới tiết kiệm nước cần thiết phải được áp dụng rộng rãi, nhất là đối với khu vực miền Trung, vùng đất sẽ “gánh hạn” nặng nề.
TS Nguyễn Việt Anh (Trường ĐH Thủy lợi), cho biết: “Ngoài tiết kiệm được nước và chi phí tưới, phương pháp rút nước phơi ruộng ở các giai đoạn thích hợp còn làm giảm độc tố trong đất, giúp cho bộ rễ cây lúa phát triển, cây lúa cứng không bị đổ ngã làm giảm công thu hoạch và rụng lúa. Việt Nam với trên 3,8 triệu ha canh tác lúa, áp dụng rộng rãi phương pháp tưới tiết kiệm nói trên còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường nhờ giảm phát thải khí nhà kính”.
Theo TS Nguyễn Việt Anh, khu vực Trung bộ cần áp dụng phương pháp tưới như sau: Giai đoạn sau sạ, lúa hồi xanh cần duy trì nước trong mặt ruộng khoảng 30mm. Giai đoạn lúa đẻ nhánh lớp nước mặt ruộng từ 30-60mm, gặp mưa cho phép trữ từ 60-90mm, để cạn tự nhiên đến lộ mặt ruộng. Khi mực nước thấp hơn mặt ruộng 10-12mm thì tưới với lớp nước 30-60mm.
Giai đoạn cuối đẻ nhánh tháo cạn nước lộ mặt ruộng trong thời gian từ 5-7 ngày tùy theo từng loại đất để hạn chế đẻ nhánh vô hiệu. Đang giai đoạn tháo cạn nước, nếu gặp mưa, trong 1 ngày phải tháo hết nước trong ruộng.
Giai đoạn làm đòng duy trì nước mặt ruộng 30-60mm, gặp mưa cho phép trữ 60-90mm, để cạn tự nhiên đến lộ mặt ruộng trong 1 ngày đêm, sau đó tưới 30-60mm. Giai đoạn trỗ bông luôn duy trì nước mặt ruộng 30-60mm, gặp mưa cho phép trữ 60-90mm.
Giai đoạn chắc xanh đến chín vàng lớp nước mặt ruộng 30-60mm, gặp mưa cho phép trữ 60-90mm, để cạn tự nhiên đến lộ mặt ruộng, khi mực nước thấp hơn mặt ruộng 10-12mm thì tưới với lớp nước 30-60mm. Trước khi thu hoạch 7-10 ngày tháo khô ruộng.
 “Phương pháp tưới nói trên sẽ hiệu quả hơn ở những công trình có hệ thống kênh mương hoàn chỉnh, mặt ruộng bằng phẳng. Tuy nhiên, những vùng ruộng chua phèn và nhiễm mặn không áp dụng được. Đặc biệt, do trước thu hoạch tháo khô nước thời gian khá dài nên nông dân cần phải cẩn trọng với nạn chuột phá lúa”, TS Nguyễn Việt Anh, nói.
“Chúng tôi biểu dương cách sử dụng nước tiết kiệm rất hiệu quả của Bình Định. Trước dự báo hạn hán sẽ còn hành hạ mảnh đất miền Trung, chúng tôi đề nghị các địa phương trong khu vực học tập kinh nghiệm từ Bình Định. Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích các địa phương áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho cây trồng trong thời gian tới”, PGS.TS Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi.

Báo Nông nghiệp Việt Nam
Chia sẻ bài viết: :
 
Thiết kế bởi: Free Blogger Templates | VNBLOGGER | Thư viện Online | Tin khuyến mại | Sổ tay Online Xem Phim: Phim Ánh Trăng
Copyright © 2016. Nông Nghiệp - By Blogger.com