Home » , » Đà điểu – mô hình chăn nuôi mới ở nông thôn Bến Tre

Đà điểu – mô hình chăn nuôi mới ở nông thôn Bến Tre

Written By Chăn Nuôi on Thursday, June 27, 2013 | 9:20 AM


Từ ngả ba cầu Chẹt Sậy cũ, về phía Giồng Trôm, men theo đường bê tông về phía bờ sông khoảng 300m là tới trại chăn nuôi đà điểu châu Phi của chị Hồ Thị Thạnh, 47 tuổi, ngụ ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. Qua thời gian chăn nuôi, đà điểu phát triển tốt và khoẻ mạnh. Đây là con vật sống hoang dã, nên sức đề kháng rất mạnh, rất dễ chăm sóc. Tuy vậy, cũng cần phải tuân theo hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chia ra làm 3 giai đoạn.
1. NUÔI DƯỠNG – CHĂM SÓC – THỨC ĂN
Mật độ chăn thả mỗi con/25m2, chuồng phải cao ráo, nền lót cát, có lưới kẽm che chắn, bên trong xây mái nhà lợp tôn để đà điểu nghỉ ngơi. Khi bắt thả, dùng tay đỡ ức và phần sau của con vật, tuyệt đối không được cầm chân.
Sau khi thả vô trại, cho con vật uống nước pha thuốc bổ ngày đầu tiên với hàm lượng 100 ml Vitamin B12 trên 10 lít nước. Ngày thứ 2 liều lượng cũng như trên, nhưng tăng thêm 50% nước. Như vậy cho uống 5 ngày liền, sau đó vẫn tiếp tục cho uống nuớc lắng trong thường xuyên hằng ngày. Sau 6 giờ thả vô chuồng mới cho ăn. Thức ăn là cám cho gà ăn và rau ngâm nước muối (từ 20–30 phút) rửa sạch, thái nhỏ. Tỉ lệ cho ăn tháng đầu là 1 cám/1 rau.
Tháng thứ 2, cũng cho ăn cám như tháng đầu, nhưng rau tăng lên 2 lần. Tháng thứ 3 trở đi, 10% cám, 80% rau, và 10% thóc ngâm ủ 3 ngày cho nảy mầm. Cứ 3 ngày cho ăn thêm một lần bột sò hay bột xương (loại bột tinh) trộn với thức ăn, liều lượng 10g – 20g.
2. PHÒNG BỆNH THEO ĐỊNH KỲ
Trong 2 tháng đầu, cho uống thuốc kháng sinh Amcoli Fort phòng bệnh thường xuyên; cứ 10 ngày 1 lần cho uống thêm thuốc Vitalyte pha trong nước giúp cải thiện sức khoẻ con vật. Khi thấy đà điểu bị ghèn rỉ mắt hoặc phòng ngừa dùng thuốc nhỏ mắt của người sử dụng. Khi mắt bị viêm nhiễm kết mạc dùng thuốc thú y đặc trị.
3. VỆ SINH CHUỒNG TRẠI
Xịt thuốc định kỳ khử trùng cứ 15 ngày 1 lần. Quét dọn phân trong chuồng cho sạch sẽ. Tuyệt đối không nên để vật cứng, nhọn và các thứ khác sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho đà điểu. Cách ly vật nuôi gia cầm và thuỷ cầm không cho đến gần chuồng đà điểu.
Qua tròn 2 năm, trại đà điểu 10 con của chị Hồ Thị Thạnh không gặp trở ngại gì cả, vẫn phát triển tốt, đạt trọng lượng khoảng 100 kg/con. Số đà điểu mái bắt đầu đẻ và mỗi quả trứng đạt trọng lượng 1,3 kg. Lứa đầu chị chưa cho ấp, chờ lứa sau đà điểu trống phối giống thuần thục rồi mới cho tiến hành ấp nở. Hiện nay, Công ty Hùng Tiến, quận Bình Thạnh, TP.HCM, thu mua đà điểu thương phẩm với giá 150.000 đ/kg. Trừ tiền con giống và thức ăn, chị còn lãi ròng 5 triệu đồng/con. Như vậy, có khả năng nghề nuôi đà điểu sẽ mở ra một hướng phát triển chăn nuôi mới ở nông thôn Bến Tre.
Dương Thanh Hải - BTre, 04/09/2007

Mô hình gà - heo - đà điểu

Nhân dân, 4/11/2003
Mô hình chăn nuôi gà, heo và đà điểu của anh Tám Hữu ở xã Hưng Khánh Trung (chợ Lách, Bến Tre) được chính quyền địa phương đánh giá là táo bạo và nhiều triển vọng. Nghiên cứu kỹ về kỹ thuật nuôi đà điểu; tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại điểm nuôi ở TP Hồ Chí Minh, anh Tám Hữu khẳng định sẽ thu được hiệu quả kinh tế cao từ mô hình chăn nuôi trên.
Trong chuyến tham quan "tiểu trang trại" của anh Hứa Huy Hữu (Tám Hữu) và vợ là chị Lê Thị Nở, ở ấp Gia Khánh, xã Hưng Khánh Trung, huyện Chợ Lách, Bến Tre, đoàn cán bộ lãnh đạo xã và huyện Chợ Lách đều khâm phục hiệu quả và cung cách làm ăn của vợ chồng anh. Ông Huỳnh Nam Bình, Bí thư Huyện ủy huyện Chợ Lách cho rằng: mô hình nuôi đà điểu của anh Tám Hữu là rất mới mẻ và táo bạo, có tính đột phá. Lãnh đạo huyện sẽ theo dõi và có biện pháp hỗ trợ để anh Tám Hữu thành công với cách làm ăn mới".
Từ tháng 3-2003 anh Hữu đã làm chuồng và đưa ba con đà điểu từ một trang trại ở TP Hồ Chí Minh về nuôi. Mỗi con nặng 100 kg, giá ba con tổng cộng 36 triệu đồng, chuyên chở về và một số chi phí phụ trợ hết gần 40 triệu đồng. Khi quyết định đầu tư như vậy, anh đã lạc quan trước con vật nuôi rất mới này ở vùng ÐBSCL. Anh Hữu giải thích rằng: "Theo tôi tham quan, học hỏi tại điểm nuôi đà điểu ở TP Hồ Chí Minh thì con đà điểu thích hợp được với khí hậu các tỉnh phía nam. Tôi vững tin rằng, ở Bến Tre hay đồng bằng sông Cửu Long, đà điểu thích hợp, phát triển và đẻ trứng được. Thức ăn cho đà điểu là cám, thức ăn hỗn hợp dạng viên và cỏ vốn rất sẵn ở đây".
Anh Hữu phân tích: thịt đà điểu hiện nay giá 170.000 đồng/kg; da đà điểu giá đắt hơn da bò, dùng để thuộc da làm dây nịt, giày da, túi xách. Mỗi con đà điểu mái trưởng thành, mỗi năm đẻ từ 70 - 100 trứng, chỉ cần hơn 50% số trứng này ấp đạt kết quả, nuôi con sống và phát triển tốt, mỗi năm có thể có thêm 50 con đà điểu mới được con mẹ sinh sản. Sau 18 tháng đà điểu con sẽ phát triển và cân nặng 100 kg, giá bán thấp nhất cũng phải đạt từ 10 -12 triệu đồng/con. Với bài tính như vậy anh Hữu mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi khá táo bạo.
Ði lên từ làm cây giống và chăn nuôi heo, gà, hiện nay 10.000 m2 vườn của anh có giá trị kinh tế khá cao. Một nhà lưới với khoảng 500m2, hàng nghìn cây giống sạch bệnh được anh sản xuất hàng năm cung ứng cho thị trường. Trại chăn nuôi là những dãy dài với 2.000 gà công nghiệp đang cho trứng, bốn con heo nái đang nuôi con và sau vuờn là chuồng nuôi đà điểu với lưới B40 khoảng gần 2.000m2 làm chuồng thả ba con đà điểu.
Sau bảy tháng, ba con đà điểu đều phát triển tốt. Theo chị Nở, vợ anh Tám Hữu, hiện nay mỗi con đà điểu nặng gần 150 kg. Anh Hữu đã giảm chế độ ăn để chuẩn bị phối giống và cho đà điểu đẻ trứng.
Khảo sát và phấn khởi trước thành công bước đầu của anh Hữu trong làm ăn kinh tế vườn kết hợp với chăn nuôi, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Nguyễn Ngọc Phong cho rằng: “Trong các mô hình khai thác kinh tế vườn, chăn nuôi, mô hình chăn nuôi gà, heo và đà điểu của anh Tám Hữu là có nét mới và nhiều triển vọng".
Chị Lê Thị Nở cho biết: "Nhờ đồng vợ đồng chồng, quyết chí làm ăn nên hiện nay gia đình tôi đã tích lũy được một ít vốn, có kinh nghiệm làm ăn từ mảnh vườn gia đình". Tổng số vốn mà gia đình anh đầu tư chuồng trại đã vượt qua con số 300 triệu đồng. Khi hỏi bí quyết giúp vợ chồng anh thành công, anh Hữu cho rằng: "Trong công việc làm ăn, chúng tôi thuận vợ thuận chồng, nghiên cứu kỹ, học hỏi người đi trước, tham khảo sách báo, lấy câu ăn chắc mặc bền làm trọng".
QUỐC ANH        
(Báo Sài Gòn tiếp thị)

Trang trại đà điểu ở Lâm Đồng

Cách đây mấy năm, một thương gia người Hàn Quốc đã đưa 9 con đà điểu về nuôi làm cảnh bên cạnh hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt trông thật lạ, gây sự chú ý đặc biệt của người dân vùng này. 9 con đà điểu, giá mỗi con lúc đó từ 10-15 triệu đồng, gồm 3 con trống, 6 con mái đang trong thời kỳ sinh sản được đưa về trang trại rộng gần 10ha ở xã Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng. Anh Nguyễn Xuân Thảo - người trực tiếp "chỉ huy", chăm sóc đà điểu tại trang trại cho biết: nhờ học hỏi được kinh nghiệm từ trại giống T.Ư Ba Vì nên chúng tôi có thể yên tâm nghĩ đến hiệu quả kinh tế của nó. Cả trang trại có 39 con đà điểu, thức ăn cho chúng chỉ là rau xanh, dặm thêm 20% lúa, bắp và cám viên, trung bình mỗi con ăn khoảng 1,5kg thức ăn/ngày. Nếu không có dịch bệnh, chúng đẻ rất đều và tôi tin chúng sẽ là nguồn thu chính của trang trại.
Thời điểm này đà điểu đang trong giai đoạn đẻ rộ, mỗi tuần cho 2-3 trứng/con mái, mỗi quả nặng 1,5-2kg. Hiện giá xuất khẩu 60-70USD/trứng, nếu bán đà điểu thịt cho các nhà máy chế biến thực phẩm, các nhà hàng cao cấp thì giá 1kg "thịt hơi" cũng lên đến 200-250 ngàn đồng. Bà Phan Thị Hồng đã đầu tư thêm một máy ấp trứng để chủ động trong việc sản xuất con giống, bớt chi phí "đầu vào". Mẻ trứng thử nghiệm đầu tiên với 10 quả đã cho ra đời 5 đà điểu con, hiện đã được trên 2 tháng tuổi và đã có người đến đặt cọc mua với giá 3,5 triệu đồng/con. Bà Hồng đang "dốc vốn" đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm của trang trại (ngoài sản phẩm chủ lực là đà điểu) để hướng đến mô hình trang trại kết hợp du lịch sinh thái. Tháng tới, khi gần chạm "cửa ngõ" thành phố Đà Lạt trên quốc lộ 20, du khách sẽ được biết đến một trang trại đà điểu mang tên Hồng Phúc.
Nông thôn ngày nay (31/7/2003)

Trang trại đà điểu trên cao nguyên
NNVN - 3/9/2003
Cách đây mấy năm, một thương gia người Hàn Quốc đã đưa 9 con đà điểu về nuôi làm cảnh bên cạnh hồ Tuyền Lâm – Đà Lạt trông thật lạ, gây sự chú ý đặc biệt của người dân vùng này. Qua thời gian khá lâu, chúng phát triển bình thường, có thể khẳng định được sự thích nghi của nó với khí hậu xứ sở cao nguyên này. Nhưng vì điều kiện riêng, nên doanh gia này không thể tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại, đành sang nhượng lại cho bà Phan Thị Hồng – Chủ doanh nghiệp Phúc Lộc Thịnh từ TP.HCM lên Lâm Đồng lập nghiệp. 9 con đà điểu, giá mỗi con lúc đó từ 10-15 triệu đồng, gồm 3 con trống, 6 con mái, đang trong thời kỳ sinh sản, được bà Hồng "chăn dắt" về trang trại mới (lập năm 2000), rộng gần 10ha của mình ở xã Hiệp An – Đức Trọng – Lâm Đồng. Thời gian đầu, bà tự nghiên cứu kỹ thuật nuôi theo sách vở, sau hơn một năm thử nghiệm bà đã gặt hái nhiều thành công. Đến nay, quy mô trang trại được mở rộng để phát triển đàn đà điểu đã lên đến 39 con, mở ra một niềm hy vọng cho nghề chăn nuôi hết sức mới mẻ trên cao nguyên Lâm Đồng.
Bà Hồng cho hay: "Từ TP.HCM lên Lâm Đồng đầu tư xây dựng trang trại, hướng đến mô hình trang trại kết hợp du lịch sinh thái nên tôi đã chọn vị trí gần quốc lộ, và cố gắng tạo ra một sản phẩm đặc trưng cho trang trại mình để thu hút khách du lịch, bạn hàng. Tình cờ xem truyền hình thấy đà điểu xứ núi vẫn nuôi được, đẹp quá tôi nghĩ nên tìm mua vài ba con để trang điểm cho điền viên của mình. Sau thấy tương lai có thể phát triển được, nên đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư". Từ 9 con mua thời kỳ đầu, năm 2001 bà đã cất công ra tận trại giống Ba Vì (Hà Tây) mua về 30 con đà điểu giống ba tháng tuổi, giá mỗi con từ 3,5-5 triệu đồng. Đến nay, đàn đà điểu mới mua đã đến giai đoạn "biết ân ái" (hơn 12 tháng tuổi), khoảng vài tháng nữa là đến thời kỳ sinh sản, cộng với những "công dân" mới chào đời của lứa trước... Không bao lâu nữa, những chú "đà điểu kiểng" sẽ cho lợi nhuận kinh tế cao. Anh Nguyễn Xuân Thảo - người trực tiếp "chỉ huy", chăm sóc đà điểu tại trang trại cho biết: Nhờ học hỏi được kinh nghiệm từ trại giống TW Ba Vì nên chúng tôi có thể yên tâm nghĩ đến hiệu quả kinh tế của nó. Thức ăn cho đà điểu ở Lâm Đồng rất dồi dào, bởi thức ăn chính là rau xanh, dặm thêm 20% lúa, bắp và cám viên, trung bình mỗi con ăn khoảng 1,5 kg thức ăn/ngày. Nếu không có dịch bệnh, đẻ đều, tôi tin chúng sẽ là nguồn thu chính của trang trại.
Thời điểm này đà điểu đang trong giai đoạn đẻ rộ, mỗi tuần cho 2-3 trứng/con mái, mỗi quả nặng 1,5-2 kg. Hiện giá xuất khẩu 60-70 USD/trứng, nếu bán đà điểu thịt cho các nhà máy chế biến thực phẩm, các nhà hàng cao cấp thì giá 1 kg "thịt hơi" cũng lên đến 200-250 ngàn đồng. Vừa qua, bà Hồng đã đầu tư một máy ấp trứng để chủ động trong việc sản xuất con giống, bớt chi phí "đầu vào". Mẻ trứng thử nghiệm đầu tiên với 10 quả đã cho ra đời 5 đà điểu con, hiện đã được trên 2 tháng tuổi và đã có người đến đặt cọc mua với giá 3,5 triệu đồng/con. Thử làm một phép tính đơn giản "đầu vào-đầu ra" thì đà điểu không còn làm kiểng nữa, mà đã mang lại một triển vọng rất lớn cho nghề chăn nuôi, mô hình kinh tế trang trại của Lâm Đồng.
Bà Hồng đang "dốc vốn" đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm của trang trại (ngoài sản phẩm chủ lực là đà điểu) để hướng đến mô hình trang trại kết hợp du lịch sinh thái.
Chia sẻ bài viết: :
 
Thiết kế bởi: Free Blogger Templates | VNBLOGGER | Thư viện Online | Tin khuyến mại | Sổ tay Online Xem Phim: Phim Ánh Trăng
Copyright © 2016. Nông Nghiệp - By Blogger.com