Home » » Thay Thế Kháng Sinh Bổ Sung Vào Thức Ăn Bằng Kháng Sinh Thảo Dược

Thay Thế Kháng Sinh Bổ Sung Vào Thức Ăn Bằng Kháng Sinh Thảo Dược

Written By Chăn Nuôi on Thursday, April 18, 2013 | 8:21 PM

      Trong chăn nuôi, kháng sinh được dùng để chữa bệnh và cũng được dùng như một chất kích thích tăng trưởng theo con đường bổ sung vào thức ăn.
 
      Kháng sinh bổ sung vào thức ăn chăn nuôi có tác dụng ức chế và loại bỏ sự hoạt động của vi khuẩn bệnh, đặc biệt vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa và hô hấp trên động vật non, nhờ vậy làm cho chúng khỏe mạnh, tăng trưởng tốt (cải thiện 4-16% tốc độ tăng trưởng và 2-7% hiệu suất lợi dụng thức ăn).
 
      Tuy nhiên sử dụng kháng sinh như một chất kích thích tăng trưởng thì lại gây hiện tượng kháng kháng sinh (gọi tắt là kháng thuốc).
 
      Vi khuẩn kháng thuốc gây ra bởi việc dùng kháng sinh bổ sung vào thức ăn thường phát triển mạnh và nhanh do hai nguyên nhân chủ yếu sau:
 
      Một là kháng sinh bổ sung vào thức ăn thường dùng với liều rất thấp (20-40g/tấn), thời gian sử dụng kéo dài và sử dụng nhiều loại kháng sinh phối hợp lại với nhau..
 
      Hai là phân của con vật nuôi bằng thức ăn bổ sung kháng sinh vẫn còn chứa nhiều kháng sinh. Phân này khi bón cho cây trồng thì kháng sinh đi vào các sản phẩm cây trồng (bao gồm cả củ, thân lá và hạt). Kháng sinh tồn dư trong sản phẩm cây trồng cũng chính tác nhân tạo ra  các loại vi khuẩn kháng thuốc.
 
      Tính chất nguy hiểm của tình trạng kháng thuốc ngày càng được ý thức hơn khi người ta thấy rằng những vi khuẩn kháng thuốc đã gây ra các bệnh chết người còn lớn hơn cả bệnh AID. Tạp chí của Hội Y học Mỹ số tháng 10 năm 2007 đưa tin, năm 2005 ở Mỹ hơn 100 ngàn ca bệnh gây ra bởi Staphylococcus aureus kháng lại methicillin (MRSA: Methicillin - resistant Staphylococcus aureus) đã làm 18.600 người bị chết, trong khi cũng trong năm đó số người bị chết do HIV/AID chỉ là 17.000.
 
      Để hạn chế hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, toàn bộ các nước trong Cộng đồng Châu Âu đã cấm sử dụng kháng sinh với vai trò là chất kích thích tăng trưởng từ ngày 1 tháng 1 năm 2006.
 
      Ở nước ta, từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã có quyết định cấm sử dụng một số kháng sinh bổ sung vào thức ăn chăn nuôi (đó là các kháng sinh: chloramphenicol, dimetridazole, metronidazole, furazolidon và các dẫn xuất của nhóm nitrofuran). Trong thời gian tới, một số kháng sinh khác cũng sẽ bị cấm và tiến tới sẽ cấm hoàn toàn các loại kháng sinh bổ sung vào thức ăn chăn nuôi.
 
      Để thay thế kháng sinh bổ sung vào thức ăn chăn nuôi, các nước có nền chăn nuôi tiên tiến đã áp dụng  các biện pháp sau:
- Bổ sung acid hữu cơ vào thức ăn
- Bổ sung enzyme thức ăn
- Bổ sung các chế phẩm trợ sinh (probiotic) và tiền sinh (prebiotic)
- Bổ sung các chế phẩm giầu kháng thể
- Sử dụng kháng sinh thảo dược
 
      Vi khuẩn gây bệnh như E.coli, Samonella sống và hoạt động ở pH ≥ 4; vi khuẩn có lợi như Lactobacillus hay Bifidobacterium sống và hoạt động ở pH ≤ 3,5. Sử dụng các acid hữu cơ để đưa pH dịch tiêu hóa xuống ≤ 3,5 thì có lợi cho hoạt động và phát triển của vi khuẩn có lợi và ức chế được vi khuẩn có hại.
 
      Acid hữu cơ thường dùng là acid lactic, formic, fumaric, butyric..; các acid hữu cơ này bổ sung vào thức ăn hạ thấp được pH của dịch dạ dày và dịch ruột, nhưng không ăn mòn niêm mạc ống tiêu hóa (có loại acid hữu cơ còn bảo vệ và kích thích sự phát triển của niêm mạc ruột, đó là acid butyric). Các trại chăn nuôi lợn ở châu Âu hiện nay đang coi việc sử dụng acid hữu cơ là một biện pháp quan trọng để thay thế kháng sinh.
 
    Bổ sung các enzyme tạo ra bằng con đường công nghệ vi sinh (celllulase, beta- glucanase, xylanase, mannanase…) nhằm phân giải các polysaccharid cấu tạo vách tế bào thực vật, tạo điều kiện cho các enzyme nội sinh (protease, amylase, lipase tiết ra từ ống tiêu hóa) tiếp cận với các chất hữu cơ bên trong tế bào chất đã làm  tăng được tỷ lệ tiêu hóa hấp thu thức ăn, từ đó giúp cơ thể con vật có thêm chất dinh dưỡng để tăng năng suất sản phẩm cũng như tăng cường sức khỏe để chống bệnh.
 
     Các chế phẩm probiotic là các vi khuẩn có lợi còn sống, các chế phẩm prebiotic là các chất dinh dưỡng (chủ yếu là các oligosaccharide như manan-oligosaccharide, fructo- oligosaccharide,…) cung cấp năng lượng cho vi khuẩn probiotic. Các chế phẩm probiotic và prebiotic vừa có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn bệnh trong ống tiêu hóa vừa tăng cường hệ thống miễn dịch của ruột cũng đang được dùng bổ sung vào thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là thức ăn thủy sản để thay thế kháng sinh.
 
     Các chế phẩm cung cấp kháng thể như bột huyết tương, bột trứng gà … chứa các kháng thể có thể loại bỏ các vi khuẩn bệnh ở đường ruột, ngăn ngừa được rối loạn tiêu hóa. Lợn con mới đẻ cho đến 4 tuần tuổi không thể tự sản sinh kháng thể để chống bệnh, chúng phải trông cậy vào nguồn kháng thể của sữa mẹ. Tuy nhiên nguồn kháng thể này thường không đáp ứng đủ nhu cầu và như vậy việc bổ sung các chế phẩm giầu kháng thể là cần thiết, nhất là khi kháng sinh không được đưa vào thức ăn.
 
     Một biện pháp thay thế kháng sinh hiệu quả và không tốn kém là sử dụng kháng sinh thảo dược. Chế phẩm kháng sinh thảo dược thường gồm hỗn hợp các chất được chiết rút từ nhiều loại thảo dược. Ví dụ chế phẩm thảo dược có tên là APEX do hãng BFI của Anh (*) sản xuất chứa:
 
- Lá và tinh dầu cây hương thảo
- Củ và tinh dầu tỏi
- Lá, hoa và tinh dầu cây xạ hương
- Quả và tinh dầu hồi
- Vỏ, lá và tinh dầu quế
- Bột và tinh dầu ớt
 
     Các hoạt chất trong các thảo dược này hoạt động như các chất kháng khuẩn và các chất chống oxy hóa.
 
    Các chất hoạt chất trong APEX có khả năng ức chế nhiều loại vi khuẩn gram (-) và gram (+), kể cả vi khuẩn đã kháng với nhiều loại kháng sinh. Nó có thể thay thế nhiều loại kháng sinh như tylosin, chlotetracycline, sulfametazine, penicillin... bổ sung vào thức ăn. Chế phẩm còn có đặc điểm là không ức chế những vi khuẩn có ích trong đường ruột và còn có tác dụng kích thích tính thèm ăn, tăng sự tiết dịch tiêu hóa, cải thiện tỷ lệ tiêu hóa hấp thu thức ăn.
  
     Chế phẩm thích hợp với việc trộn vào thức ăn công nghiệp dạng viên vì có khả năng chịu nhiệt khi ép viên.
 
      Các thí nghiệm bổ sung APEX  tại Anh, Bỉ hay Đan mạch đã cho thấy APEX  hoàn toàn có thể thay thế được kháng sinh bổ sung vào thức ăn.
 
      Đáng lưu ý ở một thí nghiệm tiến hành tại Đan mạch trên 3 lô lợn sau cai sữa (thể trọng xuất phát là 6,2kg): lô 1 không bổ sung kháng sinh, lô 2 bổ sung kháng sinh và lô 3 bổ sung kháng sinh thảo dược APEX (500g/Tấn).
 
     Kết quả sau 4 tuần thí nghiệm cho thấy: lợn lô 2 và 3 có tăng trọng bình quân hàng ngày bằng 121% và 113% so với lô 1, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR: kg thức ăn/kg tăng trọng) của lô 2 và 3 giảm 9% và 8% so với lô 1 (tăng trọng tính theo g/ngày của lợn lô 1, 2 và 3 lần lượt là 392 - 430 và 408; FCR lần lượt là 1,51 - 1,39 và 1,40) . Lợn lô 1 có 17 con gầy yếu trong khi đó lợn lô 2 và 3 chỉ có 2 và 3 con gầy yếu.
 
     Các biện pháp trên đây đã góp phần rất quan trọng vào thành công của việc thay thế hoàn toàn kháng sinh bổ sung vào thức ăn chăn nuôi ở nhiều nước châu Âu. Ở nước ta, trong khi chưa loại bỏ được hoàn toàn kháng sinh trong thức ăn, các nhà chăn nuôi chỉ nên sử dụng kháng sinh cho lợn hay gia cầm trong những giai đoạn dễ bị stress như cai sữa, chuyển đàn, chuyển mùa; các giai đoạn khác thì không dùng kháng sinh mà thay thế kháng sinh bằng việc bổ sung acid hữu cơ, enzyme, probiotic, prebiotic, chế phẩm giầu kháng thể và kháng sinh thảo dược cùng với việc áp dụng chặt chẽ các điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học trong quy trình chăn nuôi.
                                                                                  GS Vũ Duy Giảng
Chia sẻ bài viết: :
 
Thiết kế bởi: Free Blogger Templates | VNBLOGGER | Thư viện Online | Tin khuyến mại | Sổ tay Online Xem Phim: Phim Ánh Trăng
Copyright © 2016. Nông Nghiệp - By Blogger.com