Thực phẩm chức năng là danh từ được dùng đầu tiên ở Nhật vào năm 1980 để chỉ những thực phẩm tươi hay đã qua chế biến có đặc tính tăng cường sức khoẻ hay ngăn ngừa bệnh ở người. Các đặc tính này nằm ngoài tính chất của những chất dinh dưỡng thông thường chứa trong thực phẩm.
Có nhiều loại thực phẩm chức năng, nếu căn cứ vào các hoạt chất sinh học chứa trong thực phẩm chức năng, người ta chia thực phẩm chức năng theo các nhóm sau:
- Nhóm thực phẩm chứa tiền vitamin A như alpha-caroten, beta-caroten, lutein, lycopen. Caroten có nhiều trong các loại quả và rau, lycopen có nhiều trong quả gấc, cà chua…Các tiền vitamin A này có tác dụng quét các gốc tự do gây tổn thương tế bào, ngăn ngừa nguy cơ ung thư (lycopen trong dầu gấc, trong sốt cà chua có tác dụng hiệu quả ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt).
- Nhóm thực phẩm chứa chất xơ không tan, xơ dễ tan, beta-glucan có nhiều trong cám lúa mì, tiểu mạch, đại mạch, có tác dụng hạn chế bệnh tim mạch, giảm cholesterol trong máu và ngăn ngừa ung thư.
- Nhóm thực phẩm chứa acid béo omega-3 có nhiều trong dầu cá biển, trong pho-mat và thịt, có tác dụng hạn chế bệnh tim mạch, ung thư và cải thiện thị giác.
- Nhóm thực phẩm chứa phenolic như flavon, tanin, catechin có nhiều trong rau quả tươi, chanh, coca, chocola có tác dụng ngăn ngừa ung thư, suy thận và bệnh tim mạch.
- Nhóm thực phẩm chứa sterol có nhiều trong dầu ngô, dầu đỗ tương có tác dụng hạ thấp cholesterol trong máu, hạn chế hấp thu cholesterol từ thức ăn.
- Nhóm thực phẩm chứa vi khuẩn lactobacillus (có nhiều trong sữa chua, dưa muối…), chứa fructo-oligosaccharide (có nhiều trong hoa ac-ti-sô, trong hành tỏi…) có tác dụng phát triển các vi khuẩn có lợi và hạn chế vi khuẩn có hại trong đường ruột, giúp ruột khoẻ, hấp thu tốt các chất dinh dưỡng.
- Nhóm thực phẩm chứa estrogen thực vật (một loại kích tố nữ) có nhiều trong các loại đậu đỗ, đặc biệt là đỗ tương có tác dụng hạ thấp lượng cholesterol trong máu, ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Thực phẩm chức năng có thể là các loại thực phẩm tự nhiên như rau quả tươi, có thể là thực phẩm chế biến có bổ sung thêm một hoặc một vài hoạt chất sinh học, có thể là thực phẩm được làm giầu với các hoạt chất sinh học qua con đường nhân giống (đối với cây trồng), nuôi dưỡng (đối với gia súc, gia cầm) và có thể bằng công nghệ gien.
Ở các nước phát triển người ta ưu tiên phát triển thực phẩm chức năng hỗ trợ cho sức khoẻ người có tuổi, chống béo phì và làm đẹp. Đối với các nước chậm phát triển người ta chú ý đến thực phẩm chức năng hạn chế suy dinh dưỡng. Ví dụ: gạo hạt vàng (gạo rất giầu beta-caroten tạo ra từ công nghệ gien của các nhà khoa học Đức và Thuỵ sĩ) được cho là có tác dụng hạn chế tử vong ở trẻ nhỏ và ngăn ngừa khoảng 500 ngàn trẻ nhỏ bị mù do thiếu vitamin A.
Trong ngành chăn nuôi lợn, gà và bò, người ta đang chú ý phát triển những thực phẩm chức năng được làm giầu với acid béo omega-3. Nếu năm 2005 số thực phẩm làm giầu với acid béo omega-3 chỉ là 182 loại thì đến năm 2006 số sản phẩm này đã lên đến 278 loại, trong đó dẫn đầu là sản phẩm sữa (116 sản phẩm) tiếp theo là trứng và sản phẩm gia cầm (52 sản phẩm) rồi đến thịt (29 sản phẩm).
Thông qua nuôi dưỡng người ta có thể tăng hàm lượng acid béo omega-3 trong sản phẩm động vật.
Các thí nghiệm nuôi dưỡng động vật bằng chất chiết của hạt lanh và cải dầu hay bột cá và dầu cá đã thấy hàm lượng acid béo omega-3 trong trứng gà tăng lên 20-40 lần, trong thịt gà tăng lên 10 lần, trong thịt lợn tăng lên 6 lần và trong thịt bò tăng lên 2 lần.
Một thí nghiệm khác tiến hành trên lợn ở Viện Dinh dưỡng Bắc Ireland cho thấy với khẩu phần bổ sung dầu cá và bột cá thì hàm lượng acid béo omega-3 trong thịt lợn đã tăng lên và cứ 100 g thịt cung cấp được 1,22 g α- linolenic acid, tỷ lệ acid béo omega-6/omega-3 đạt mức 3,03/1. Vậy cứ mỗi 100g thịt lợn có thể cung cấp một lượng α- linolenic acid gần với mức khuyến cáo về sử dụng acid này để ngăn ngừa bệnh tim mạch (1,5 g/ngày).
Vậy acid béo omega-3có liên quan gì đến bệnh tim mạch?
Bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ … thường gắn với sự tăng cao hàm lượng mỡ máu (triglyceride) và các lipoprotein mang cholesteroltrong máu.
Có nhiều loại lipoprotein mang cholesterol tồn tại trong máu, tuy nhiên có hai loại lipoprotein mà nhiều người biết đến, đó là LDLvà HDL. LDL là lipo-protein mật độ thấp và HDL là lipoprotein mật độ cao. Thực ra chỉ có loại LDLthì mới gây ra những rối loạn tim mạch và được gọi là "cholesterol xấu", còn HDLthì không gây những rối loạn tim mạch và được gọi là " cholesterol tốt".
Người ta ví LDL (cholesterol xấu) như một chiếc taxi sinh học mang cholesterol đến các tế bào của tất cả các cơ quan trong cơ thể, còn HDL (cholesterol tốt) thì như một chiếc máy hút bụi sinh học làm nhiệm vụ tách cholesterol khỏi các cơ quan khác nhau của cơ thể và chuyển vào mật, ở mật cholesterol được dùng để tạo muối mật, muối mật sau khi dùng vào quá trình tiêu hoá mỡ thì được thải ra ngoài theo phân.
Một khi hàm lượng LDL (cholesterol xấu) trong máu cao thì lượng cholesterol sẽ lắng đọng ở thành mạch, làm cho thành mạch dòn, mất tính đàn hồi, làm hẹp lòng mạch, cản trở sự di chuyển của máu, gây cục máu đông, làm tắc động mạch. Hậu quả là thiếu máu tim, gây suy tim, trầm trọng hơn tim có thể ngừng đập (đột quỵ) do mạch máu nuôi tim bị đứt vỡ.
Khoa học dinh dưỡng đã thấy rằng các acid béo no có mạch cacbon từ 12 đến 16 (có nhiều trong mỡ bò, lợn và gà) làm tăng LDL (cholesterol xấu) và mỡ máu, làm giảm HDL(cholesterol tốt).
Khoa học dinh dưỡng cũng xác định rằng tỷ lệ acid béo omega-6/omega-3 trong khẩu phần quá cao làm tăng những rối loạn tim mạch.
Một báo cáo điều tra về tỷ lệ chết do bệnh tim mạch cho biết: ở những vùng mà người dân ăn một khẩu phần có nhiều acid béo omega-6 thì tỷ lệ chết do bệnh tim mạch cao hơn những vùng người dân ăn khẩu phần thấp acid béo omega-6 (dẫn theo Yvan Larondelle (2005).
Những cuộc điều tra dịch tễ học ở Nhật cho thấy: lượng tiêu thụ hàng ngày acid linoleic (omeg-6) tăng lên trong 50 năm tính từ 1950 đến 2000 thì tỷ lệ chết do bệnh tim mạch trong thời gian này cũng tăng lên. Năm 1950, lượng acid linoleic (omega 6) ăn vào là 2-3g/ngày thì tỷ lệ chết do xuất huyết não và đột quỵ chỉ đạt 25-30 ca tính cho 10 vạn dân, đến năm 2000 khi lượng axit linoleic (omega 6) ăn vào là 10-12g/ngày thì tỷ lệ chết do các bệnh này đã tăng lên 60 ca tính cho 10 vạn dân.
Khoa học dinh dưỡng cho biết tỷ lệ acid béo omega-6/omega-3 trong khẩu phần tốt nhất là 3,5/1 đến 4,0/1. Tuy nhiên những khẩu phần ăn hiện nay lại thường có tỷ lệ acid béo omega-6/omega-3là 5/1 đến 7/1 thậm chí có nơi lên đến 22/1.
Để giảm tỷ lệ acid béo omega-6/omega-3trong khẩu phần xuống mức hợp lý (3,5/1- 4/1) cần giảm nguồn thức ăn giầu acid béo omega-6 như mỡ động vật và một số loại dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu đỗ tương và tăng những nguồn thức ăn giầu acid béo omega-3 như cá biển, dầu cá biển trong bữa ăn hàng ngày.
Sử dụng thực phẩm nguồn gốc động vật như trứng gà, thịt gà, thịt lợn, sữa … được làm giầu với acid béo omega-3 là một biện pháp quan trọng trong việc tạo tỷ lệ hợp lý acid béo omega-6/omega-3 bữa ăn, giúp hạn chế những rối loạn của bệnh tim mạch, tăng cường sức khoẻ cho con người trong cuộc sống hiện đại.