Để có tỉ lệ nạc cao trên quầy thịt, cần phải có con giống cho nhiều nạc. Trên thế giới có nhiều nhóm heo giống cho nạc nhiều, những giống heo này đã được nhập vào Việt Nam từ lâu...
Những giống heo đó đã được thuần dưỡng để thích nghi với điều kiện khí hậu thời tiết, cách nuôi dưỡng, chăm sóc và phòng chống bệnh của nước ta. Dưới đây là những kiến thức cơ bản về công tác chọn giống heo nhiều nạc.
1. Các giống heo ngoại cho nhiều nạc
a. Heo Landrace:
Đây là heo có nguồn gốc từ Đan Mạch nổi tiếng khắp thế giới là giống heo cho nhiều nạc. Hiện nay giống heo này được xuất đi khắp nơi để cải thiện giống heo của nhiều nước và trở thành các giống heo Landrace Mỹ, Landrace Anh, Landrace Pháp, Landrace Canada…
Heo có sắc lông trắng tuyền, đầu nhỏ, tai to xụ bịt mắt, mông đùi to, chân nhỏ, đi trên ngón, nhìn ngang thân hình giống như một tam giác. Nọc nái ở 6 tháng tuổi đạt 80 - 90 kg, trưởng thành có thể đạt 200 - 250 kg, quầy thịt 65% là nạc, có trị số độ dày mỡ lưng thấp (12 – 15 mm), phẩm chất thịt ngon, mềm, sớ cơ ít dai, thịt có vân mỡ.
Heo nái mỗi năm đẻ 1,8 – 2,2 lứa, mỗi lứa 9 -10 con. Đây là giống heo kiêm dụng được thị trường chấp nhận vừa sản xuất nạc vừa có khả năng sinh sản, nuôi con tốt. Nhu cầu dinh dưỡng tuy cao nhưng dễ thỏa mãn, sức kháng bệnh và thích nghi tốt ở điều kiện chăn nuôi Việt Nam.
b. Heo Yorkshire
Đây là heo có nguồn gốc từ Anh Quốc, lúc đầu có 3 nhóm: Heo Đại Bạch, Heo Trung Bạch và Heo Tiểu Bạch. Hai nhóm Tiểu và Trung Bạch có năng suất kém và ngoại hình xấu nên không được ưa chuộng, còn Đại Bạch có năng suất cao, ngoại hình đẹp nên giống heo này đã phổ biến ở khắp nơi trên thế giới.
Heo có sắc lông trắng tuyền, giữa gốc tai và mắt thường có bớt đen nhỏ, đuôi dài quấn thành 1 – 2 vòng, tai đứng, lưng thẳng, bùng thon, khi nhìn ngang giống như hình chữ nhật. Lúc ngày tuổi 150 ngày đạt trung bình 80 kg, quày thịt 55 – 60%. Heo có độ dày mỡ lưng thấp (15 – 18 mm), phẩm chất thịt ngon (thuộc nhóm Bacon), trong sớ cơ có ngấm mỡ nên mềm, hương vị thịt béo, ngọt không dai.
Heo nái mỗi năm đẻ 1,8 – 2,2 lứa, mỗi lứa 9 – 10 con. Sản lượng sữa thường cao, nuôi con giỏi, có những nái có thể khai thác đến 8 – 10 lứa đẻ. Đây là giống heo đã được nuôi dưỡng thuần hóa lâu năm ở Việt Nam nên các nọc và nái giống hiện hữu có sức đề kháng rất tốt với bệnh tật, ít bị những bệnh thông thường như sốt bỏ ăn, sưng khớp, viêm đường sinh dục sau đẻ, sốt sữa… Heo thích nghi tốt với các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng của nhà chăn nuôi đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.
c. Heo Duroc
Đây là heo có nguồn gốc từ Mỹ, nhưng hiện nay đã hiện diện khắp nơi trên thế giới.
Heo thuần chủng có sắc lông đỏ nâu, bốn móng ở mỗi chân màu đen huyền, khi lai có màu vàng nhạt và xuất hiện đốm bông đen (thường ở đùi, mông, bụng). Heo có tai nhỏ, xụ nhưng gốc tai đứng, lưng còng, ngắn đòn, bụng thon, chân thấp nên nái tơ Duroc phối với đực cao chân thường khó (dương vật có thẻ gieo nhầm vào hậu môn thay vì âm đạo), ngược lại nọc tơ Duroc phối với nái cao thường khó khăn (dễ bị té bật ngửa, hoảng sợ, hoặc dương vật không đi sâu qua cổ tử cung nên tỉ lệ đậu thai thấp, tinh trùng thường bị trào ra sau khi phối trực tiếp). Các bất lợi trên sẽ được khắc phục khi áp dụng kỹ thuật gieo tinh nhân tạo.
Heo Duroc cũng là heo cho nhiều nạc, mỡ lưng mỏng (10 – 12 mm), nạc có sớ cơ dai, ít vân mỡ nên không ngon lắm, tỷ lệ nạc quày thịt có thể 65%. Ở 6 tháng tuổi heo đạt trọng lượng trung bình 70 – 80 kg, nọc nái trưởng thành có thể đạt 200 – 250 kg, nái đẻ mỗi năm 1,8 lứa, mỗi lứa 8 – 9 con, nái tiết sữa kém, nuôi con kém, nhu cầu dinh dưỡng cao, sức kháng bệnh kém. Nên hiện nay giống heo này thường được nuôi thuần và chỉ để tạo dòng đực cuối để phối với nái sinh sản để sản xuất heo con nuôi thịt.
d. Heo Pietrain
Đây là heo có nguồn gốc từ Bỉ và cũng đã phổ biến khắp nơi trên thế giới như Pháp, Mỹ, Canada…
Heo có sắc lông đen, bông trắng, ít mỡ, các bắp cơ lộ rõ dưới da, nhất là phần mông, đùi lưng vai. Đây là giống heo nổi tiếng về cho nạc nhưng nhu cầu dinh dưỡng rất cao. Ở 150 ngày tuổi đạt trung bình 80 kg, nọc nái trưởng thành có thể đạt 200 – 250 kg, heo nái mỗi năm đẻ 1.8 lứa, mỗi lứa 8 – 9 con. Heo độ dày mỡ lưng dưới 10 mm, tỉ lệ nạc trên quày thịt chiếm 65% như sơ nạc thô, dai, ít có vân mỡ, hương vị không thơm ngon.
Heo thích nghi kém với điều kiện khí hậu quá nóng, quá lạnh, quá ẩm, và rất dễ mắc các bệnh về dinh dưỡng, sinh sản, hô hấp, tiêu hóa… Hiện nay heo nuôi thuần rất khó ở quy mô gia đình và trang trại nhỏ, các trại lớn thường nuôi để sản xuất đực cuối tạo dòng heo con nuôi thịt, hoặc sản xuất nọc lai 2 máu cho dễ nuôi trong nhân dân hay để cải thiện phẩm chất thịt và tỷ lệ nạc trên một số giống heo khác.
2. Công tác lai tạo dòng heo cho nhiều nạc
Người tiêu dùng không ưa heo mỡ, nhưng có một số giống heo như Pietrain, Duroc lại cho các loại thịt nạc thô, dai, kém hương vị… Điều này đã đặt ra vấn đề nên tìm ra công thức lai giữa các giống heo trên sao cho tận dụng dụng được những đặc tính tốt của từng giống riêng biệt. Ví dụ như khi lai tạo heo thịt sao cho có nhiều nạc, hương vị béo, ngọt thơm và phải quy tụ được những yếu tố về sinh sản cũng như về chăm sóc nuôi dưỡng thích hợp.
a. Lai 2 máu
- Lai giữa Yorkshire và Landrace
Có 2 cách:
+ Sử dụng đực Yorkshire lai với cái Landrace sẽ cho ra con lai Yorkshire – Landrace (YL)
+ Sử dụng đực Landrace lai với cái Yorkshiresẽ cho ra con lai Landrace - Yorkshire (LY)
Trong công thức lai này, nhà tạo giống mong muốn sự hòa hợp các ưu điểm của Yorkshire (như dễ nuôi, thịt nạc mỡ) với Landrace (khó nuôi, thịt nạc nhiều, tốt sữa, sai con) nên con lai nếu là đực thì sẽ dễ nuôi thịt: nạc ngon mềm có vân mỡ, hương vị tốt, giá thành hạ. Còn nái YL hay LY thì dùng để nuôi sinh sản có mẫu tính tốt, đẻ sai, nuôi con giỏi, tốt sữa, con dễ nuôi, ít bệnh. Dòng nái YL hay LY nếu phối với đực Pietrain sẽ tạo ra heo 3 máu: PYL, DYL hay PLY, DLY có năng suất thịt cao, dễ nuôi, thịt ngon, độ đồng đều.
- Lai giữa Pietrain và Duroc
Lai giữa đực Pietrain và cái Duroc, công thức lai này không đảo ngược DuPi vì nái Pietrain nuôi con kém, năng suất sữa kém, ít con trên mỗi lứa. Con lai PiDu đực được tuyển lựa để tạo dòng đực cuối rất được nhà chăn nuôi ưa chuộng thay vì phải dùng đực cuối Pietrain hay Duroc nuôi năng suất kém, chậm lớn, khó nuôi.
Nhóm đực PiDu không làm giống sẽ thiến cũng với heo nái PiDu để nuôi thịt. Nhóm heo này thịt có tỉ lệ nạc cao (trên 65%), 180 ngày tuổi có thể đạt 85 – 90 kg, mỡ lưng mỏng dưới 10 mm, chất lượng nạc vừa phải, dai, ít hương vị, ít vân mỡ, nhưng giá thành xuất heo thịt cao.
- Lai giữa Pietrain và Landrace
Cũng như ở trên, người ta không đảo công thức lai này vì nái Pietrain nuôi con kém, năng suất sữa kém,ít con trên mỗi lứa. Con đực PiLa tạo ra cũng được dùng để phối với nái sinh sản tạo heo con nuôi thịt. Những đực từ công thức này tạo ra nếu không được chọn làm giống thì sẽ được thiến và nuôi chung với nái PiLa làm heo thịt. Cách lai này cũng tạo ra nhóm heo thịt có chất lượng giống tương tự như trên nhưng thịt có hương vị trung bình và giá thành sản xuất cao.
- Lai giữa Pietrain và Yorkshire
Đây cũng là công thức lai tạo đực cuối 2 máu để tạo heo con nuôi thịt. Về ngoại hình heo có sắc lông trắng với ít đốm đen hay xám. Đực thải sẽ thiến và được nuôi thịt cùng với heo cái, những con này lúc 180 ngày tuổi có thể đạt 90 – 95 kg, tỉ lệ nạc trên quày có thể đạt 60 – 65%, độ dày mỡ lưng 12 – 15 mm, thịt ngon vừa phải, ít dai, có vân mỡ, hương vị trung bình, giá thành sản xuất heo thịt trung bình.
b. Lai 3 máu
Đây là công thức lai giữa nái sinh sản 2 máu (như YL hay LY) với đực cuối là Pietrain hay Duroc sẽ tạo ra con lai:
+ DYL hay DLY là con lai 3 máu khi dùng đực cuối là Duroc thuần giao phối với nái YL hay LY: Con lai 3 máu này nuôi thịt lớn nhanh, ở 180 ngày tuổi có thể đạt 90 -100 kg, tỉ lệ nạc trên 65%, độ dày mỡ lưng 10 – 12 mm, sớ nạc mềm ngon, vân mỡ trung bình, nhưng thức ăn đòi hỏi dinh dưỡng cao, cân bằng acid amin, FCR khoảng 3 – 3,2 kg.
+ PYL hay PLY là con lai 3 máu khi dùng đực cuối là Pietrain thuần giao phối với nái YL hay LY: Con lai 3 máu này nuôi thịt lớn nhanh, ở 180 ngày tuổi có thể đạt 100 kg, tỉ lệ nạc trên 65%, độ dày mỡ lưng nhỏ hơn 10 mm, thịt xơ dai không ngon, vân mỡ rất ít, thức ăn cũng đòi hỏi dinh dưỡng cao, cân bằng acid amin, FCR khoảng 2,8 - 3 kg. Heo có sức đề kháng kém, dễ bị stress do nhiệt hoặc thay đổi thức ăn, chuồng trại, dế bị tình trạng thịt tái màu mềm nhão, rỉ dịch sau khi giết mổ (PSE).
c. Lai 4 máu
- Lai giữa đực PiDu với nái YL
Con lai 4 máu PiDuYL thể hiện sức chống chịu bệnh tốt, dễ nuôi, dễ thích nghi với điều kiện nuôi dưỡng chăm sóc của bà con chăn nuôi nông thôn, thức ăn không đòi hỏi chất lượng cao, heo mau lớn, tỉ lệ nạc 60 – 65%, độ dày mỡ lưng từ 12 – 15 mm, phẩm chất thịt ngon, mềm có vân mỡ trung bình, FRC từ 3 – 3.2 kg.
- Lai giữa đực PiLa với nái YL
Con lai 4 máu PiLY dùng nuôi thịt có sức tăng trưởng tốt, ở 180 ngày đạt 85 – 90 kg, tỉ lệ nạc 60 – 65%, độ dày mỡ lưng 10 – 15 mm, phẩm chất thịt ngon, sớ cơ mềm, vân mỡ trung bình, có hương vị thơm, thức ăn không đòi hỏi chất lượng cao. Con lai là nái sẽ có 50% máu Landrace nên nếu được nuôi với khẩu phần tốt sẽ có tiềm năng sinh sản cao và có thể tuyển làm hậu bị để sinh sản tuy rằng khả năng sinh sản kém hơn nái YL hay LY.
Nếu dùng nái PiLY cho sinh sản với đực cuối là Pietrain hay Duroc thì tỉ lệ nạc trên heo con để nuôi thịt cao, nhưng khó nuôi và phẩm chất thịt không ngon vì tỉ lệ máu Pietrain hay Duroc cao.
Nếu dùng nái PiLY cho sinh sản với đực thuần là Yorkshire hay Landrace thì heo con sinh ra dễ nuôi thịt và phẩm chất thịt ngon.
Nếu dùng nái PiLY cho sinh sản với đực thuần Duroc sẽ tạo ra heo con 4 máu dễ nuôi thịt, mau lớn, phẩm chất thịt ngon nhưng đòi hỏi thức ăn phải chất lượng cao.
3. Chọn heo con nuôi thịt
Để có được heo con tốt nuôi thịt cần lưu ý đến nguồn gốc sản xuất ra heo con (có phẩm chất giống tốt, được xuất xứ từ những trang trại có đảm bảo quy trình tiêm chủng). Người mua heo con nuôi thịt cần chú ý những điểm sau:
- Heo nuôi thịt tốt thường có thân dài, bụng thon, mông nở, vai nở, lanh lợi, đuôi luôn ve vẩy, mắt sáng không đổ ghén hay chảy nước mắt, da lông bóng mượt. Tránh chọn những con có khuyết tật như tai vẹo, đuôi vẹo, hernia rốn hay hernia dịch hoàn. Nên quan sát nhịp thở, thở phải đều đặn, không thở dốc (có thể bị viêm phổi), lông mịn không thô dày, da mỏng không nhăn nheo không có mẫn đỏ, bầm tím hay đóng vẩy.
- Heo con nuôi thịt cần tiêm chủng các bệnh thông thường, khi vẫn chuyển về cần tái chủng lại, sau khi kiểm tra heo phát triển tốt không có dấu hiệu bệnh (nên tái chủng bệnh dịch tả, Tụ huyết trùng, Thương hàn).