Thú y thế giới đã phát hiện ra virus gây bệnh cho heo như virus gây bệnh rối loạn sinh sản hô hấp (PRRS), virus gây hội chứng còi trên heo sau cai sữa (PMWS) được khoảng 10 năm nay. Trong thời gian qua, các tổ chức bảo vệ động vật, tổ chức thú y, hội nuôi heo đã tốn nhiêu công sức để tìm ra phương thức có thể tiêu diệt những virus này nhưng cho đến nay, vấn đề vẫn còn nan giải và cần phải nghiên cứu thêm để tìm ra phương pháp chữa trị hữu hiệu.
Tốc độ phát sinh và lây truyền dịch bệnh cũng nhanh chóng như tốc độ của các phương tiện giao thông tối tân. Thống kê cho thấy nguyên nhân dịch bệnh từ nước ngoài tràn vào chiếm đến 90%, còn lại 7 ~ 9% do bệnh phát sinh từ ô nhiễm nguồn thức ăn (ngũ cốc và rau cỏ), sản phẩm gia súc (thịt tươi và thịt chế biến, da, lông thú). Một nguyên nhân lây bệnh rất khách quan như khi đi tham quan, nghiên cứu một trang trại nuôi gia súc từ nước ngoài về.
Tình hình dịch bệnh lan tràn do lây nhiễm từ trang trại này sang trang trại khác chiếm 56%, và 21% chủ yếu do dùng xe vận chuyển và các đồ dùng liên quan đến quá trình di chuyển gia súc, khoảng 20% do lây bệnh qua tinh dịch (yếu tố di truyền) và tiêm chích chung kim tiêm, còn lại 3% là do lây bệnh qua không khí và lây từ các con thú sống hoang dã. Do đó, cần thận trọng khi tìm mua giống heo mới, nhập tinh dịch của nước ngoài và phải đề phòng khi vận chuyển từ nơi này đến nơi khác. Mọi sự chểnh mảng đều nguy hiểm cho đàn heo và sự lơ là trong việc quản lý khâu vận chuyển là việc làm mạo hiểm có thể gây tổn thất lớn.
2. “Trong vòng 2 năm qua đã thay thế heo giống tới 5 lần”
Những trang trại gặp trường hợp như vậy thì đều do heo bị mắc chứng bệnh viêm phổi cấp tính, tỉ lệ nhiễm bệnh tăng lên, kéo dài thời gian nuôi heo rồi cho xuất chuồng để giết mổ. Một vài trang trại ảnh hưởng do bị chứng bệnh viêm phổi cấp tính và nhiễm khuẩn Salmonella, tăng tỉ lệ heo chết non, chuồng trại bỏ không gây thiệt hại kinh tế rất nghiêm trọng.
3. Từ 3 ~ 4 tháng mua nhập heo giống về chuồng một lần
Hồi đầu những năm 1970 nơi tác giả vào học về lĩnh vực chăn nuôi chính là một trang trại chuyên thu mua heo ở chợ về chuồng nhà nuôi. Bình thường cứ mỗi 10 ~ 15 ngày lại mua thêm một lứa heo vào chuồng. Mỗi khi heo mới nhập chuồng lại phát sinh rất nhiều loại dịch bệnh và gây ra bao nhiêu tổn thất cho trang trại. Dù là trang trại luôn được vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nhưng heo vẫn bị mắc bệnh, chí ít cũng từ 1 ~ 2 con. Dịch bệnh đó vẫn tiếp tục lây lan khắp đàn heo và tràn qua các trang trại khác. Nếu dịch bệnh bắt đầu phát sinh từ sau khi nhập chuồng được khoảng từ 7 ~ 10 ngày thì nguyên nhân chính là do heo mới nhập về đã có bệnh từ trước, còn nếu bị mắc bệnh sau 14 ngày thì chắc chắn do nhiễm bệnh ở trong trang trại. Do đó, tần số để nhập mua heo bổ sung vào trang trại cần kéo dài từ 3 ~ 4 tháng/ một lần. Tùy theo kế hoạch sử dụng mà nhập về heo có trọng lượng trong khoảng 30 ~ 120 kg thì có thể giảm được tỉ lệ phát sinh dịch bệnh từ nhiều lần thành 1 lần và cũng chỉ cần một lần cho cách ly để kiểm dịch mà thôi.
4. Heo nhập về cần phải cách ly 2 tháng để kiểm dịch
Vì khi mua heo chủ yếu chỉ kiểm tra để xác nhận xem heo có bị mắc bệnh truyền nhiễm hay không nên khi nhập heo về chuồng được chừng 20 ~ 30 ngày phải xác nhận chắc chắn tình trạng nhiễm bệnh có thể ở heo nhập về, áp dụng tiêm chủng phòng bệnh, tiêm thuốc kháng sinh để tăng sức đề kháng cho heo.
Nếu heo không bị phát bệnh do quá trình di chuyển bị stress thì heo có khả năng miễn dịch với các loại vi trùng gây bệnh, tránh được sự xâm nhập virus nguy hiểm, nhưng đôi khi chính tự bản thân nó lại tiềm ẩn vi trùng ký sinh nên nhất thiết phải cho cách ly để kiểm dịch. Hầu hết các vi trùng chỉ có thể tồn tại được trong vòng 2 tháng nhưng một số vi khuẩn như Salmonella, vi trùng viêm ruột kết có thể tồn tại được 6 tháng, virus PRRS có thể ẩn náu từ 150 ~ 270 ngày, đặc biệt nếu bệnh lý có tính chất thay đổi thì cũng có thể phát bệnh theo trạng thái mới.
Ở một trang trại lớn của nước ngoài đã tiến hành kiểm soát dịch đặc thù bằng cách phân chia heo theo từng lứa sinh sản, tức nuôi heo từ lúc còn nhỏ đến lúc mang thai sinh sản lứa đầu tiên và đến khi cai sữa rồi cho sống chung thì sẽ ngăn chặn được sự xâm nhập virus và bệnh truyền nhiễm.
Ở trang trại chuyên nuôi heo lấy thịt, khi không thể kiểm dịch hàng ngày thì nên nhốt heo con mới mua vào một chuồng riêng rồi tiến hành kiểm tra và xét nghiệm. Nếu mua từ nhiều nơi thì phải tạm thời dùng biện pháp ngăn chặn dịch bệnh bằng cách phân nhóm heo theo xuất xứ.
5. Nhân giống heo trong đàn
Cho dù giống heo có vượt trội đến đâu khi gặp môi trường xấu và nhiều dịch bệnh thì không thể nào phát huy tốt khả năng di truyền. Hơn nữa, nếu heo giống nhập về và bị phát sinh nhiều vấn đề dịch bệnh truyền nhiễm thì khả năng sinh sản giảm đi. Do đó, để duy trì đàn heo khỏe mạnh thì cần phải hạn chế du nhập heo nơi khác về trang trại mình mà hãy tập trung tìm ra phương pháp hữu hiệu bằng cách phát triển chính đàn heo trong trang trại mình, nhân giống, phối giống giữa các đàn heo và lựa chọn ưu thế lai để loại bỏ những gien di truyền xấu, chọn lọc những cá thể xuất sắc. Kéo dài quá trình chọn lọc tăng hiệu quả nhân giống để lấy thế hệ heo F1 bảo đảm phát huy khả năng nhân giống tốt, có sức đề kháng tối ưu.
Nâng cao chất lượng giao phối để cải thiện kết quả thụ thai và số lượng heo con sinh ra, trường hợp chỉ đạt mức PSY 25 con thì chưa đạt tiêu chuẩn, nếu áp dụng kỹ thuật chăn nuôi khoa học thì có thể đạt được kết quả lên 30 con là việc làm không quá khó.
Việc cho phối giống giữa những con heo trực hệ, có quan hệ huyết thống với nhau rất đơn giản và sức đề kháng của heo rất mạnh mẽ so với heo thuần chủng càng ngày càng bị giảm do số lứa sinh sản. Sử dụng giống heo tạp chủng có khả năng di truyền tốt, nâng cao sản lượng và phát huy được hiệu quả ưu thế giống lai.
6. Để xe vận chuyển phía ngoài cửa chính
Năm nay giá thức ăn chăn nuôi tăng rất cao và dịch bệnh PED lan truyền làm giá thịt heo giảm xuống gây ra cho giới chăn nuôi heo nhiều phen khốn đốn. Khi chưa từng mua heo mới về nhưng nếu bị phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm thì nguyên nhân chính là do thùng chất hàng của xe vận chuyển để gần chuồng heo. Phương tiện vận chuyển cũng là một cầu nối của dịch bệnh. Hầu hết các xe vận chuyển đều được rửa sạch nhưng khâu khử trùng vẫn chưa triệt để nên các vi trùng vẫn sống ký sinh trong các góc, ngõ ngách thành xe, những bậc thang lên xuống làm cầu nối để đưa heo lên xe, xuống xe...
Để xe cách xa nhưng khi lùa heo lên xe cũng không khó khăn (nhìn hình minh họa). Đặt những vách ngăn và chặn hai phía để lùa heo từ trong chuồng ra cửa, heo sẽ di chuyển theo bầy đàn và đi thẳng lên xe, tuy khoảng cách hơi xa nhưng heo sẽ tự động đi thành hàng theo lệnh của người phụ trách. Như vậy, khâu di chuyển heo lên xe sẽ đơn giản và tiết kiệm công sức để đưa heo từng con từ dưới lên xe.
7. Thành lập phòng thay đồ tác nghiệp và phòng tiệt trùng cho xe vận chuyển ở cổng chính của trang trại
Tỉ lệ nhiễm bệnh tại trang trại chiếm đến 90% do cửa ra vào của trang trại không có thiết bị khử trùng. Chính phủ Hàn Quốc đã chi viện cho các trại nuôi heo kinh phí để thành lập phòng tiệt trùng cho phương tiện vận chuyển heo và một số trang trại đã xây dựng phòng thay đồ tác nghiệp để có thể hạn chế số lượng người ra vào trang trại nhằm tuân thủ quy tắc phòng bệnh.
Phải phân chia khu vực các phòng thay đồ tác nghiệp, phòng tắm, phòng vệ sinh cá nhân, máy giặt, chậu rửa và tủ đựng quần áo thường ngày của công nhân trang trại, tủ bảo quản đồ dùng của người ra vào trang trại cũng phải phân biệt để sử dụng đúng theo nguyên tắc an toàn vệ sinh, phòng dịch.
Ở trang trại SPF, các bước phòng dịch được thực hiện tuyệt đối nghiêm túc và khi mua các loại thuốc, tinh dịch, các vật phẩm đồ dùng để tác nghiệp trong trang trại cũng phải qua bước khử trùng rồi mới được cho vào ứng dụng thực tế.
8. Khung chắn cửa sổ, trồng cây xanh, làm bờ rào để phân chia danh giới của trang trại
Tỉ lệ nhiễm bệnh do nguyên nhân từ không khí, chim chóc và các loài động vật sống hoang dã vào khoảng 3%. Để đề phòng sự lây nhiễm từ những nguyên nhân đó thì phải lắp đặt các tấm song cửa sổ chắc chắn, trồng hàng rào, ngăn cách ranh giới và làm bức ngăn chặn sự đột nhập của các con thú hoang. Cây xanh còn có thể phân hóa các khí cacbonic và mùi hôi thối tạo không khí trong lành cho trang trại.
9. Vận động và đưa ra quy ước với các trang trại xung quanh để cùng nhau thực hiện chiến dịch phòng bệnh
Tuy các trang trại có quy mô, số lượng và bí quyết chăn nuôi khác nhau nhưng khi gặp vấn đề dịch bệnh thì đều có khó khăn và tổn thất như nhau. Do đó cần có sự hợp tác giữa các chủ trang trại nuôi heo với nhau, giữa những công nhân của các trang trại để cùng nhau nỗ lực đảm nhiệm vai trò phòng trừ, đẩy lùi dịch bệnh bằng cách giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống, làm trong sạch bầu không khí, tiêu diệt vi trùng và ngăn chặn sự xâm nhập của các con thú hoang. “Đôi khi sự vô ý thức của trang trại này lại là nguyên nhân gây mầm bệnh cho trang trại khác, và khi dịch bệnh bùng phát thì trang trại nhà mình cũng chịu ảnh hưởng nặng nề”. Vì vậy, cần phải bàn bạc thống nhất, cùng có tránh nhiệm chung và thành lập thành đoàn thể thống nhất, vì mục tiêu chung. Đồng thời luôn luôn phải thực hiện chương trình khử độc, tiệt trùng, thống nhất với nhau cùng đưa ra chương trình tiêm vaccine phòng bệnh, hỗ trợ lẫn nhau để cùng nâng cao hiệu quả chăn nuôi và đạt lợi nhuận tối đa.
10. Tiêm chủng vaccine: cần thiết điều chỉnh lại thời gian và kế hoạch thực hiện
Sự tổn thất do bệnh kết hợp với Circovirus trên heo (PCVAD) ngày càng nghiêm trọng thì cần phải tăng cường tiêm vaccine để tăng cường sức đề kháng của heo.
Đôi khi việc lạm dụng tiêm chủng vaccine lại bị tác dụng ngược hoặc heo “lờn” thuốc, nhưng để đối phó với tình hình phát sinh bệnh tật ngày càng nhiều vẫn tiếp tục phải sử dụng vaccine để phòng bệnh cho heo. Tuy nhiên, nếu ta ứng dụng liệu pháp vaccine có chương trình và kế hoạch chi tiết, điều chỉnh liều lượng cần thiết thì việc ứng dụng vaccine lại có hiệu quả rất cao.
Vaccine phòng virus PRRS rất đắt và khi tiêm không có hiệu quả phòng bệnh thì nên trình bày và xin ý kiến của các chuyên gia như: phạm vi sử dụng, thời gian và liều lượng... để được tư vấn và tìm ra phương pháp hữu hiệu nhất.
11. Tổn thất càng lớn thì phải chấp nhận phương pháp bắt đầu cho phối giống thay thế 100%
Nếu khi tổn thất quá lớn và hy vọng khôi phục tình hình như ban đầu là vô vọng thì phải bắt đầu lại từ việc cho thay thế giống 100% và mất khoảng thời gian 2 ~ 4 tháng để dần dần thích ứng và khắc phục các vấn đề nảy sinh, đồng thời đây cũng là bài học kinh nghiệm quản lý, chăn nuôi.
Khi bắt đầu lại nên tuân thủ 20 nguyên tắc quản lý, chăm sóc heo để khắc phục PMWS của Madec. Phải mất chừng từ 1 ~ 2 năm thì mới có thể gây dựng lại cơ nghiệp như ban đầu.
KẾT LUẬN
Để loại trừ dịch bệnh và đồng thời cải thiện tình hình của trang trại nhất thiết phải sử dụng dược phẩm và tiêm vaccine. Đặc biệt, để đối phó với các loại virus PRRS và PMWS thì phải cố gắng tối thiểu hóa tỉ lệ nhiễm bệnh và luôn tìm ra phương pháp quản lý, chăm sóc tốt nhất để phục hồi sức khỏe cho heo. Khi gặp khó khăn hay khi xử lý vấn đề có vướng mắc, xin hãy liên lạc với các chuyên gia để được cung cấp các thông tin và được hướng dẫn cụ thể để kịp thời giải quyết.