Gà H’Mông còn gọi là giống gà xương
đen thịt đen nhưng không phải là gà ác (giống gà đen hiện có
ở Long An, thịt đen nhưng lông tơ trắng, nhỏ con), cũng không
phải là giống gà Tây Hoa- hay ô kê- của Trung Quốc. Đây là
giống gà của đồng bào dân tộc H’Mông vùng Tây Bắc có thịt
ngon nhất nước ta hiện nay. Gà được Trung tâm Khoa học và sản
xuất vùng Tây Bắc phát hiện và nuôi thử từ năm 1998. Cuối năm
1999, Viện Chăn nuôi Quốc gia nhận thấy đây là giống gà đặc
biệt quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nên quyết định
đưa vào diện động vật quý hiếm cần được bảo tồn và phát
triển. Đến nay, sau 4 năm tiến hành việc duy trì và chọn giống
gà H’Mông đã được đảm bảo. Viện Chăn nuôi Quốc gia đang có
dự án đưa gà ra nuôi đại trà trên diện rộng nhằm cung cấp
cho người nông dân một loại con giống mới có chất lượng
tốt, đem đến cho thị trường tiêu dùng một mặt hàng thực
phẩm dược liệu ngon và quý.
Trước đây gà H’Mông được nuôi quảng canh nên
tập tính còn tương đối hoang dã. Ban ngày, gà được thả rông
tự kiếm ăn, tối về chuồng hoặc đậu trên cây để ngủ.
Thức ăn là giun dế, ngô, thóc... người nuôi ít khi cho ăn thêm.
Ở trại chăn nuôi, gà nhặt cả thức ăn rơi vãi xung quanh máng
(do tập tính bới kiếm ăn). Gà thích uống nước chảy nên thường
tập trung khi bơm hoặc vẩy nước. Thích phơi nắng lúc 7-9 giờ;
thích bay chạy (1 ngày tuổi đã học bay, lúc đẻ gà thường bay
đi tìm ổ). Gà gáy nhiều, hay đánh nhau; không sợ gió mưa hay
sấm chớp, tiếng động nhưng sợ nhất bị đuổi bắt, bất ngờ
mở cửa chuồng, sự chuyển động nhanh bất thường của con người...
Gà H’Mông có thể trọng trung bình, tốc độ
lớn nhanh hơn gà ri, đặc biệt trong điều kiện được chăm sóc
tốt. Gà mái trưởng thành cân nặng 1,2-1,5kg, con trống nặng
1,5-2kg. Khả năng sản xuất thịt ở con gà 10 tuần tuổi là:
thịt xẻ khoảng 75-78%, thịt đùi 34-35%, xấp xỉ các giống gà
nội địa khác. Da dày giòn. Thịt không nhũn như gà công nghiệp,
săn nhưng không dai như thịt vịt hoặc ngan. Đặc biệt lượng
axit glutamic cao tới 3,87%, vượt trội hơn gà ri và gà ác nên
thịt gà có vị ngọt đậm, nhưng lượng sắt lại thấp. Về giá
trị hàng hoá, gà H’Mông thuộc nhóm gà thịt đen, xương đen, hàm
lượng axit amin cao, được sử dụng như là thuốc bồi bổ cơ
thể, chữa bệnh suy nhược, kích thích tình dục mạnh. Lượng
colesteron thấp trong khi axit linoleic cao có giá trị dược liệu đặc
biệt trong chữa trị bệnh tim mạch. Mật gà được dùng dể
chữa bệnh ho cho trẻ em. Xương gà nấu thành cao để chữa bệnh
run tay, run chân.
Có thể nói gà H’Mông là một đặc sản không
những thích hợp với khẩu vị của người châu Á mà còn được
các đoàn khách phương Tây rất ưa chuộng. Cần tạo điều kiện
để phát triển rộng hơn nhằm tăng khả năng bảo tồn nguồn
gien quý và đa dạng sinh học, tạo nên các dòng thương phẩm cung
cấp cho thị trường nhiều và liên tục hơn. Nhưng trước mắt, gà
H’Mông cũng như nhiều nông phẩm của nước ta, cần phải có
một thương hiệu để đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong
nước và nước ngoài trong một tương lai gần.