Home » » Làm giàu từ mô hình vườn-ao-chuồng-rừng

Làm giàu từ mô hình vườn-ao-chuồng-rừng

Written By Chăn Nuôi on Thursday, June 27, 2013 | 9:02 AM

Gặp ông chủ VACR tại gia đình khi anh đang tất bật với chiếc máy nghiền bột sắn. Thấy khách lạ đến thăm, anh Nhượng cười và mời đoàn chúng tôi vào nhà. Anh Nhượng bảo: Làm nhà nông là bận lắm.
Giọng chậm giãi, Phạm Văn Nhượng kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu khởi nghiệp của mình. Năm 1985 lập gia đình, nhưng ngay sau đó là những ngày vất vả. Việc làm của hai vợ chồng bấp bênh, mình phải đi đào quặng còn vợ thì chạy chợ, gọi là tạm đủ sống và có tý chút vốn liếng tích lũy. Nhưng nghĩ, khi có sức khỏe thì làm ăn được, chứ khi sức khỏe yếu đi nếu cứ duy trì cuộc sống như thế này thì chỉ một vài năm đói nghèo lại bủa vây. Nếu không có đất canh tác thì khó có thể phát triển bền vững được. Hai vợ chồng bàn với nhau đi tìm đất làm kinh tế trang trại, có như vậy mới có thể thoát nghèo và duy trì cuộc sống ổn định được. Vợ chồng tâm đầu ý hợp và quyết sẽ thử sức với mô hình kinh tế mới. Vậy là, mua đất dựng nhà và mảnh vườn đồi rộng 2,5ha. Chẳng kể nắng, mưa hai vợ chồng tích cực khai phá diện tích đất đồi quanh nhà chỉ độc lau sậy. Còn nhớ, ngày đầu đến ở nhiều lúc nhìn lên mảnh đồi thấy xơ xác, ngam nghê, đã có lúc định nản trí. Nhưng rồi, bà xã mình quyết tâm động viên chồng tiếp tục khai phá, canh tác. Với số vốn ít ỏi ban đầu, vài vụ đầu hai vợ chồng bàn nhau trồng sắn, bình quân mỗi vụ sắn thu từ 10 đến 12 tấn củ. Phần để chăn nuôi lợn, phần thì bán cho các cơ sở chế biến tinh bột sắn. Nhưng tính toán kỹ nếu cứ phát triển một cây, một con thì chẳng ra mô hình nào cả. Vậy là, lại khăn gói quả mướp "tầm sư học đạo" làm vườn. Mình đến một số trang trại làm ăn có hiệu quả trong tỉnh học tập mô hình sản xuất của họ. Kinh nghiệm làm kinh tế VACR chưa nhiều, nhưng niềm ham mê cứ xoáy mình vào với công việc quên cả mệt nhọc, quên cả thời gian nghỉ ngơi. Mô hình vườn, ao, chuồng, rừng ban đầu đã hình thành.
Phạm Văn Nhượng tích cực đầu tư, với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Với mảnh đất đồi gò rất thích hợp trồng cây ăn quả, nhất là cây vải. Năm 1996, Nhượng về tận tỉnh Bắc Giang mua 6.000 cành vải thiều, trị giá 10 nghìn đồng/cành. Số vải giống Nhượng đem bán cho bà con quanh vùng, còn lại 600 cành trồng trên diện tích một ha của khu đồi quanh nhà. Năm 1998, thì vải cho vụ bói đầu, cứ thế tiếp tục chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật mà Nhượng đã được tập huấn tại Trung tâm giống cây ăn quả của huyện. Ðến vụ vải năm 2000 - 2002 thu gần 10 tấn quả, năm 2003 thu 14 tấn quả với giá bán 3.000 đồng/kg thu 42 triệu đồng. Năm 2004, do vải mất mùa nhưng khu vườn vải của Nhượng cũng thu chín tấn quả, bán tại vườn với giá 3.500 đồng/kg thu hơn 30 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, khi đã có vốn Nhượng tiếp tục đầu tư nuôi lợn. Ðể chủ động về giống anh nuôi từ bốn đến năm con lợn nái móng cái. Mỗi lứa lợn nuôi từ 10 đến 15 con lợn thịt bình quân mỗi năm bán được một đến 1,5 tấn lợn thịt. Cách bố trí mô hình của Phạm Văn Nhượng cũng rất hợp lý và khoa học. Dãy chuồng lợn được bố trí sát bờ ao, hệ thống vệ sinh liên hoàn, nguồn phân được thải xuống ao làm thức ăn cho cá. Với diện tích ao trên 3.000 m2, được xây kè kiên cố từ năm 2000 hết tổng chi phí 70 triệu đồng. Ao có hệ thống nước tự chảy nước ra, nước vào. Giống cá thả chủ yếu  là cá trắm, trôi, mè, chép được mua từ Trại cá giống Hoàng Khai, mỗi vụ cá thu được từ năm đến bảy tạ cá, tổng thu từ cá thịt mỗi năm gia đình Nhượng đạt hơn 10 triệu đồng.
- Thế đàn hươu bốn con trong chuồng đang thư thái gặm cỏ kia thì sao? Anh nuôi hươu từ lúc nào? Tôi hỏi anh Nhượng.
- Mình nuôi hươu cũng là sự tình cờ. Năm 1998 xem ti-vi thấy ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thấy nhiều hộ nuôi hươu tại nhà lấy nhung bán thấy có lời cao. Vậy là mình nảy ra ý định nuôi hươu. Quyết là làm mình gom 39 triệu đồng tiền vốn vào Nghệ An mua 11 con hươu về nuôi. Ban đầu ở lại  nơi mua hươu học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, cách lấy nhung hươu.
- Thế ban đầu khi đưa đàn hươu về nuôi có gặp trở ngại gì không?
- Sự khác biệt về thời tiết là trở ngại lớn nhất. Một tuần đầu cả đàn gầy đi nhiều. Cả tuần hai vợ chồng mình lúc nào cũng túc trực bên chuồng hươu chăm sóc, theo dõi. Do biết được những kiến thức cơ bản về đặc tính sinh học, cũng như cách chăm sóc hươu qua các tài liệu mình tự mua, cho nên cũng không gặp nhiều khó khăn. Chỉ hai tuần sau đàn hươu đã hồi phục, phát triển tốt và có thời điểm đàn hươu được nhân lên đến 15 con. Sự trả công cho cái trí dám nghĩ, dám làm của Phạm Văn Nhượng là thành quả mà anh đã biết rõ hiệu quả của việc nuôi hươu lấy nhung. Tính bình quân mỗi con hươu bán được sáu triệu đồng tiền nhung/ năm, có thời điểm gia đình anh thu hơn 25 triệu đồng tiền bán nhung/năm.
Chậm giãi nhấp ly trà Nhượng tiếp câu chuyện mưu sinh của mình cho chúng tôi nghe. Tự nhận mình là người ham việc, Nhượng bảo: Nhìn thấy lợi thế mà không làm thì tiếc lắm, bây giờ còn khỏe thì cứ làm vậy thôi. Quan niệm làm giàu của mình chỉ đơn giản thế này: Ba năm gian khổ dựng xây cho mười năm no đủ.
- Trồng rừng, nuôi hươu, nuôi lợn, trồng cây ăn quả... rồi lại tham gia hoạt động xã hội (hiện nay Phạm Văn Nhượng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện Chiêm Hóa). Ôm đồm nhiều việc thế anh làm thế nào? Tôi hỏi anh Nhượng.
- Với mình niềm ham mê nhất là được làm việc, tự bản thân công việc cứ cuốn hút, cứ xoáy mình vào.
Quả thực con người ham việc mà tôi biết này "tham công tiếc việc" đủ thứ, lại làm lợi cho mình và cho mọi người nhiều lắm. Hiện nay, gia đình anh thuê ba lao động làm việc thường xuyên, với mức lương 400 nghìn đồng/người/tháng. Ngoài ra, vào vụ thu hoạch vải anh còn thuê 20 nhân công thời vụ, trả công mỗi ngày 20 nghìn đồng/người. Ngay như con đường bê-tông của thôn anh cũng nhận thầu trọn gói, tạo việc làm cho hàng chục lao động.
- Nghiệp làm vườn chắc cũng phải có đạo chứ ? Và như nhận xét của anh về quan niệm làm giàu: Ba năm gian khổ dựng xây cho mười năm no đủ. Anh suy nghĩ thế nào về câu nói của mình?
- Nhiều nghề khác như đi buôn, "đánh quả" hoặc xa hơn nữa là "chơi" chứng khoán như mình biết qua màn hình nhỏ, sách báo, có khi thức thời "ăn non" lại thành công, mà có khi trở thành ông chủ trong mấy mươi phút. Chứ nghề làm vườn mà ăn non, nóng vội là coi như cầm chắc thất bại. Cái cần ở mỗi nghề là phải có cái đạo, mà đạo làm vườn của tụi mình cần nhất là chữ "nhẫn" đấy. Chịu khó, chịu khổ cộng với trí tuệ và dám đương đầu thử nghiệm với cái mới chắc chắn sẽ thành công và đương nhiên sự thịnh vượng tìm đến là điều dĩ nhiên.
Với một mô hình VACR khép kín, một đàn hươu nuôi lấy nhung, 2,5 ha rừng keo đang chuẩn bị khai, một cơ ngơi trang trại khá bề thế, hiệu quả, có thu nhập cao và bền vững đã đem lại mức sống khá giả cho gia đình người nông dân ham việc này. Liên tục từ năm 1998 đến năm 2004 Phạm Văn Nhượng là một trong những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, được tặng nhiều bằng khen của huyện, của tỉnh. Hiện nay, anh còn là một Ủy viên BCH Hội nông dân huyện Chiêm Hóa, luôn tích cực năng nổ trong phong trào của hội.
Thực tế những vất vả, thành công của nghiệp làm vườn đã tạo cho Phạm Văn Nhượng một thứ triết lý làm giàu nghe chừng tưởng đơn giản, nhưng anh đã phải trả giá rất đắt mới có được những thành quả như ngày hôm nay.
 Đàm Thanh Vân
Chia sẻ bài viết: :
 
Thiết kế bởi: Free Blogger Templates | VNBLOGGER | Thư viện Online | Tin khuyến mại | Sổ tay Online Xem Phim: Phim Ánh Trăng
Copyright © 2016. Nông Nghiệp - By Blogger.com