Đó là trọng tâm của Hội nghị giao ban công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, nhằm tìm giải pháp hiệu quả cao nhất cho thời gian tới được tổ chức ngày 12-6 tại Tiền Giang.
Ông Phạm Hùng, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ NN – PTNT) cho biết: Năm 2012 các tỉnh khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ đã đào tạo được hơn 50 nghìn lao động học nghề nông nghiệp, đạt 71,68%/kế hoạch. Thế nhưng, cũng theo ông Hùng, công tác đào tạo nghề chậm so với kế hoạch, nguyên nhân là do năm 2012 ngành nông nghiệp mới được giao nhiệm vụ nên trong quá trình triển khai thực hiện còn lúng túng. Đầu mối chỉ đạo triển khai dạy nghề nông nghiệp ở các địa phương không thống nhất. Thực tế cho thấy ở mỗi địa phương có cách làm khác nhau: Tỉnh này thì giao cho Chi cục Phát triển nông thôn, tỉnh kia thì giao cho Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư.
Học viên đa phần ở các thôn, ấp, giao thông đi lại khó khăn, học viên chủ yếu là lao động nông thôn sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ, ít khi ở nhà nên rất khó tiếp cận để vận động tuyên truyền học viên đi học. Một bộ phận học viên chưa nhận thức đầy đủ việc học nghề để tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Nhiều người học nghề còn mang tính hình thức, học chưa đúng nghề, học theo phong trào… dẫn đến hiệu quả học nghề chưa cao. Mức kinh phí đào tạo nghề còn thấp, nhất là đối với một số nghề cần mua con giống, vật liệu phục vụ thực hành…Mức ưu đãi chưa hấp lực người học và các cơ sở dạy nghề, cán bộ quản lý dạy nghề thiếu và hạn chế năng lực chuyên môn. Chưa sử dụng hiệu quả được đội ngũ khuyến nông và công tác khuyến nông tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn…
Nguyên nhân tồn tại là do sự phối hợp giữa Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và sở Tài chính chưa thực chặt chẽ, kịp thời. Việc tổ chức học nghề ở một số địa phương chưa gắn kết với kế hoạch phát triển sản xuất nên hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ người được áp dụng kiến thức học vào công việc ngay trong thời gian học và sau khi xong khóa học còn hạn chế. Chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền ở các cấp nên việc triển khai thực hiện chậm, việc nhân rộng các mô hình dạy nghề còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, tư vấn ở một số địa phương chưa thật sự tốt nên người lao động chưa nắm vững quy định đề án “Đào tạo nghề lao động nông nghiệp” nên khó tổ chức lớp học có hiệu quả. Học viên là người lao động nông thôn có trình độ học vấn, tuổi không đồng đều nên ảnh hưởng đến việc truyền đạt kiến thức của giáo viên. Sau đào tạo, người học chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và chăn nuôi theo mô hình hàng hóa. Công tác giới thiệu việc làm và hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của người lao động chưa được các cấp, các ngành ở địa phương quan tâm và đầu tư…
Để từ bước tháo gỡ khó khăn và tiếp tục thực hiện chương trình đào tại nghề cho lao động nông thôn, năm 2013, 21 tỉnh thành khu vực phía Nam được giao tổng kinh phí hơn 78 tỷ đồng để đào tạo cho hơn 67 nghìn lao động nông thôn học nghề. Hiện tại, các tỉnh đã và đang gấp rút triển khai đào tạo nghề cho nông dân.
Tổng Cục dạy nghề của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: Công tác đào tạo nghề của cả nước trong 3 năm (2010 – 2012) đã đào tạo nghề cho một nghìn lao động, trong đó, có hơn 800 nghìn người có việc làm, hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn, đạt 78,9%. Riêng việc đào tạo nghề nông nghiệp có việc làm chiếm 79,3%. Đặc biệt, đã có 54.255 người thuộc hộ nghèo sau học nghề có việc làm, có thu nhập đã thoát nghèo chiếm 43,5% số người thuộc hộ nghèo được học nghề…
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua đã đạt hiệu quả khả quan. Tuy nhiên, lao động học xong nghề nông nghiệp ở khu vực phía Nam so với bình quân cả nước thì vẫn còn thấp. Khó khăn ảnh làm ảnh hưởng tiến độ đào tạo nghề nông thôn là trong thời gian qua Sở NN - PTNT và Sở LĐTB & XH chưa gắn kết chặt với nhau nên việc xây dựng kế hoạch cũng như thực hiện chưa được tốt. Kinh phí cấp chậm, tuyển sinh chậm, khai giảng lớp học chậm, thời gian học kéo dài…đã ảnh hưởng khá lớn đến quá trình triển khai thực hiện. Công tác triển khai giám sát chưa được tích cực…
Để khắc phục khó khăn trên, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh cần tập trung sơ kết ba năm công tác đào tạo nghề tại các địa phương và báo cáo về Bộ NN – PTNT, Bộ LĐTB & XH để Bộ tổ chức sơ kết trong tháng 6-2013.