Home » , , » Artemia

Artemia

Written By Anonymous on Sunday, June 23, 2013 | 12:49 AM

Brine shrimp
Artemia
Phân loại
 Arthropoda
 Branchiopoda
 Anostraca
 Artemiidae
 Artemia
Artemia franciscana
Artemia
Đặc điểm
Artemia trưởng thành (dài khoảng 10-12 mm) có cơ thể kéo dài với hai mắt kép, ống tiêu hóa thẳng, râu cảm giác và 11 đôi chân ngực. Con đực có đôi gai giao cấu ở phần sau của vùng ngực (vị trí sau đôi chân ngực thứ 11). Con cái rất dễ nhận dạng nhờ vào túi ấp hoặc tử cung nằm ngay sau đôi chân ngực thứ 11
franciscana
Phân bố
Artemia có mặt ở tất cả các châu lục trên thế giới, tuy nhiên sự phân bố này mang tính đặc trưng của loài:
            Artemia tunisiana        : Châu âu
            Artemia franciscana   : Châu Mỹ (Bắc, Trung và Nam Mỹ)
            Artemia perrsimilis      : Achentina
            Artemia urmiana         : Iran
            Artemia monica          : Mono Lake, CA-USA
Tập tính
Khả năng thích nghi với các điều kiện môi trường
Nhiệt độ, thức ăn và nồng độ muối là những nhân tố chính ảnh hưởng đến sự gia tăng mật độ của quần thể Artemia hoặc ngay cả đến sự vắng mặt tạm thời của chúng (Sorgeloos, 1980).
Trong tự nhiên, Artemia thường hiện diện ở các thủy vực có nồng độ muối cao vì ít có sự hiện diện của các loài cá, tôm dữ và các động vật cạnh tranh thức ăn khác như luân trùng, giáp xác nhỏ ăn tảo. Mặc dù Artemia có thể phát triển tốt ở nước biển tự nhiên nhưng chúng không thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác qua đường biển do chúng không có cơ chế bảo vệ để chống lại sinh vật dữ (cá, tôm) và cạnh tranh với các sinh vật ăn lọc khác. Sự thích nghi về sinh lý của chúng ở độ mặn cao giúp chúng chống lại sinh vật đó một cách hiệu quả, cơ chế này bao gồm:
- Hệ thống điều hoà áp suất thẩm thấu rất tốt.
- Khả năng tổng hợp các sắc tố hô hấp cao nhằm thích nghi với điều kiện có hàm lượng oxy thấp ở nơi có độ mặn cao.
Đối với ao nuôi, độ mặn thấp (<70‰) thường xuất hiện Copepods là địch hại của ấu trùng Artemia. Ngược lại, độ mặn quá cao (>120‰) có thể gây chết cho Artemia. Độ mặn cao còn là dẫn xuất tốt cho nhiệt độ vì vậy trong ao nuôi thích hợp nhất là duy trì ở mức 80-100‰. Theo Wear và Haslett, (1986) khi độ mặn thấp sẽ có nhiều địch hại và nhiều loài tảo không thích hợp xuất hiện; khi độ mặn tăng cao sẽ hạn chế sức sản xuất sơ cấp trong ao nuôi, hoặc làm giảm hiệu quả lọc thức ăn của Artemia, hơn nữa khi độ mặn tăng cao thì nhiệt độ cao và hàm lượng oxy giảm gây stress Artemia hậu quả là tăng trưởng chậm, sức sinh sản giảm, mức độ phụ hồi quần thể thấp, nếu quá ngưỡng sẽ gây chết hàng loạt (Vanhaeck và Sorgeloos, 1989). Nghiên cứu khác cho thấy ở độ mặn 120‰ thì sức sinh sản và năng suất trứng Artemia thấp hơn nhiều so với nuôi ở độ mặn 80‰ (Nguyễn Văn Hoà, 2002).
Tính ăn của Artemia và việc sử dụng tảo trong gây nuôi Artemia
Artemia là loại ăn lọc không chọn lựa đã được Reeve (1963) trình bày trong thí nghiệm sử dụng các loại tảo và mật độ tảo khác nhau để xác định tính ăn lọc của chúng, nhờ vào sự xác định này mà một loạt thí nghiệm về sử dụng tảo đơn bào làm thức ăn cho Artemia đã được tiến hành nghiên cứu. Hơn nữa, tảo được phân lập và nuôi cấy để sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản cũng được xác định về thành phần dinh dưỡng của chúng (Coutteau, 1996, điều chỉnh từ Brown, 1991) và cho thấy rằng thành phần lipid và carbohydrate trong mỗi loại tảo cũng khá khác biệt. Tuy nhiên, các loại tảo tự nhiên khi được nuôi thuần trong môi trường dinh dưỡng thì thành phần dinh dưỡng trong tảo cũng được cải thiện, thí dụ như tảo Dunaliella tertiolecta trong tự nhiên có hàm lượng lipid là 15.0 pg/tế bào nhưng khi được nuôi trong môi trường Walne thì thành phần này tăng lên (22.28 pg/tế bào).
Artemia với tập tính ăn lọc không chọn lựa của mình, chúng có khả năng lọc các vật chất lơ lửng trong nước (mùn bã hữu cơ, vi khuẩn, tế bào tảo đơn bào) ở phạm vi kích thước hạt nhỏ hơn 50 μm (Sorgeloos et al., 1986). Do vậy, một số nghiên cứu về sử dụng vi tảo làm thức ăn trong nuôi sinh khối Artemia đã được thực hiện trong những năm sau đó.
Nghiên cứu về liều lượng tảo trong nuôi Artemia đã được Evjeno và Olsen (1999) trình bày trong thí nghiệm nuôi Artemia bằng tảo Isochrysis galbana. Trong thí nghiệm này 6 nghiệm thức được triển khai với liều lượng thức ăn đưa vào biến động từ 0.2 đến 20 mg C (carbon)/lít, thời gian nuôi là 12 ngày và nồng độ muối trong suốt quá trình nuôi là 34ppt, nhiệt độ nước được duy trì trong khoảng 26-28oC. Kết quả cho thấy sự tăng trưởng của Artemia chịu ảnh hưởng khá lớn của liều lượng thức ăn đưa vào. Lượng thức ăn tối thiểu cần thiết cho Artemia phát triển đã được xác định là 10 mg C/lít, ở liều lượng này tăng trọng của Artemia từ 2.3 μg/cá thể naupllii (mới nở) đã tăng lên 195±7.03 μg/cá thể. Đối với các nghiệm thức được cho ăn với liều lượng thấp là 7; 5; 3 mg C/lít thì sau 11 ngày nuôi trọng lượng Artemia chỉ đạt 134±3.41, 88±3.53 và 29±3.09 μg/cá thể, theo thứ tự. Còn ở liều lượng cho ăn thấp nhất là 0.2 mg C/lít thì sau 11 ngày nuôi trọng lượng Artemia giảm xuống từ 14-18% trọng lượng thân.
Naegel (1999) trong thí nghiệm nuôi sinh khối của mình đã so sánh nuôi Artemia bằng tảo Chaetoceros và thức ăn thương mại Nestum (thức ăn cho trẻ con), kết quả cho thấy sau 14 ngày nuôi tỉ lệ sống và tăng trưởng của hai nghiệm thức này là như nhau nhưng hàm lượng lipid của Artemia được cho ăn bằng thức ăn Nestum cao hơn Artemia được cho ăn tảo Chaetoceros .
Lora-Vilchis và Voltolina (2003) đã thực hiện thí nghiệm sử dụng 2 loại tảo Chaetoceros muelleri và Chlorella capsulata làm thức ăn cho Artemia, sau 7 ngày nuôi thấy rằng Artemia khi được cho ăn với liều lượng 11.7, 23.4 và 46.8 mg/lít/ngày với 2 loại tảo nêu trên thì tỉ lệ sống giữa các nghiệm thức là như nhau, sai biệt không có ý nghĩa thống kê, tỉ lệ sống đạt trên 80%.
Sử dụng tảo trong nuôi sinh khối Artemia cũng được thực hiện tiếp tục vào những năm tiếp theo, Lora-Vilchis et al., (2004) đã sử dụng hai loài tảo Isochrysis sp. và Chaetoceros muelleri làm thức ăn trong giai đoạn đầu của Artemia. Kết quả cho thấy rằng sau 7 ngày nuôi tỉ lệ sống của Artemia không khác biệt có ý nghĩa, ở nghiệm thức Artemia cho ăn bằng tảo Isochrysis sp., tỉ lệ sống là 85%  trong khi Artemia cho ăn tảo Chaetoceros muelleri có tỉ lệ sống là 93%.
Sinh sản
Có hai phương thức sinh sản: đẻ con và đẻ trứng tuỳ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường sống nhất là thức ăn và nhiệt độ.
Artemia có vòng đời ngắn (ở điều kiện tối ưu có thể phát triển thành con trưởng thành sau 7-8 ngày nuôi), sức sinh sản cao (Sorgeloos, 1980b; Jumalon, et al., 1982) và quần thể Artemia luôn luôn có hai phương thức sinh sản là đẻ trứng và đẻ con (Browne et al., 1984).
Vòng đời artemia
Ngoài tự nhiên, Artemia đẻ trứng bào xác nổi trên mặt nước và được sóng gió thổi giạt vào bờ. Các trứng nghỉ này ngưng hoạt động trao đổi chất và ngưng phát triển khi được giữ khô. Nếu cho vào nước biển, trứng bào xác có hình cầu lõm sẽ hút nước, phồng to. Lúc này, bên trong trứng, sự trao đổi chất bắt đầu. Sau khoảng 20 giờ, màng nở bên ngoài nứt ra (breaking) và phôi xuất hiện.
Phôi được màng nở bao quanh. Trong khi phôi đang treo bên dưới vỏ trứng (giai đoạn bung dù = umbrella) sự phát triển của ấu trùng được tiếp tục và một thời gian ngắn sau đó màng nở bị phá vỡ (giai đoạn nở = hatching) và ấu thể Artemia được phóng thích ra ngoài.
Ấu trùng Artemia mới nở (instar I), có chiều dài 400-500 μm có màu vàng cam, có mắt Nauplius màu đỏ ở phần đầu và ba đôi phụ bộ (anten I có chức năng cảm giác, anten II có chức năng bơi lội và lọc thức ăn và bộ phận hàm dưới để nhận thức ăn). Mặt bụng ấu trùng được bao phủ bằng mảnh môi trên lớn (để nhận thức ăn: chuyển các hạt từ tơ lọc thức ăn vào miệng). Ấu trùng giai đoạn này không tiêu hóa được thức ăn, vì bộ máy tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, chúng sống dựa vào nguồn noãn hoàng.
Sau khoảng 8-10 giờ từ lúc nở (phụ thuộc vào nhiệt độ), ấu trùng lột xác thành giai đoạn II (instar II). Lúc này, chúng có thể tiêu hóa các hạt thức ăn cỡ nhỏ (tế bào tảo, vi khuẩn, chất vẩn) có kích thước từ 1 đến 50 μm nhờ vào đôi anten II, và lúc này bộ máy tiêu hóa đã hoạt động.
Ấu trùng phát triển và biệt hóa qua 15 lần lột xác. Các đôi phụ bộ xuất hiện ở vùng ngực và biến thành chân ngực. Mắt kép xuất hiện ở hai bên mắt .Từ giai đoạn 10 trở đi, các thay đổi về hình thái và chức năng quan trọng bắt đầu: anten mất chức năng vận chuyển và trải qua sự biệt hóa về giới tính. Ở con đực chúng phát triển thành càng bám, trong khi anten của con cái bị thoái hóa thành phần phụ cảm giác. Các chân ngực được biệt hóa thành ba bộ phận chức năng. Các đốt chân chính và các nhánh chân trong (vận chuyển và lọc thức ăn) và nhánh chân ngoài dạng màng (mang).
Artemia trưởng thành dài khoảng 10 mm (tùy dòng), cơ thể thon dài với hai mắt kép, ống tiêu hóa thẳng, anten cảm giác và 11 đôi chân ngực. Con đực có đôi gai giao cấu ở phần sau của vùng ngực. Đối với con cái rất dễ nhận dạng nhờ vào túi ấp hoặc tử cung nằm ngay sau đôi chân ngực thứ 11.
Tuổi thọ trung bình của cá thể Artemia trong các ao nuôi ở ruộng muối khoảng 40-60 ngày tùy thuộc điều kiện môi trường (Nguyễn Văn Hòa et al., 1994). Tuy nhiên, quần thể Artemia trong ruộng muối vẫn tiếp tục duy trì ngay cả trong mùa mưa khi độ mặn trong ao nuôi giảm thấp (60‰) nếu ruộng nuôi không bị địch hại (tôm, cá, copepods...) tấn công và vẫn được cung cấp đầy đủ thức ăn (Brand et al., 1995).
Phương thức sinh sản: Theo Sorgeelos (1980) Artemia phát triển thành con trưởng thành sau 2 tuần nuôi và bắt đầu tham gia sinh sản. Trong vòng đời con cái có thể tham gia cả hai phương thức sinh sản và trung bình mỗi con đẻ khoảng 1500-2500 phôi.
* Sự đẻ con (Ovoviviparity): trứng thụ tinh sẽ phát triển thành ấu trùng bơi lội tự do và được con cái phóng thích ra ngoài môi trường nước.
* Sự đẻ trứng (Oviparity): các phôi chỉ phát triển đến giai đoạn phôi vị (gastrula) và sẽ được bao bọc bằng một lớp vỏ dày (được tiết ra từ tuyến vỏ trong tử cung) tạo thành trứng nghỉ (cyst) hay còn gọi là sự “tiềm sinh” (diapause) và được con cái sinh ra.
Hiện trạng
Trứng Artemia có giá trị kinh tế cao và là nguồn thức ăn không thể thiếu cho hoạt động trại giống thuỷ sản, giá khoảng 150 – 200USD/kg khô (trứng có nguồn gốc từ Artemia franciscana thả nuôi tại ruộng muối Vĩnh Châu - Bạc Liêu).
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Văn Hòa, 2005. Nâng cao hiệu quả việc nuôi sinh khối Artemia trên ruộng muối. Khoa Thủy Sản  - Trường Đại Học Cần Thơ
Chia sẻ bài viết: :
 
Thiết kế bởi: Free Blogger Templates | VNBLOGGER | Thư viện Online | Tin khuyến mại | Sổ tay Online Xem Phim: Phim Ánh Trăng
Copyright © 2016. Nông Nghiệp - By Blogger.com