Home » , » "Heo Siêu Nạc" Và Một Số Vấn Đề Đang Được Dư Luận Quan Tâm

"Heo Siêu Nạc" Và Một Số Vấn Đề Đang Được Dư Luận Quan Tâm

Written By Chăn Nuôi on Thursday, April 18, 2013 | 4:10 PM

BBT. Ngày 22/3/2012, PGS.TS Nguyễn Xuân Trạch đã trả lời phỏng vấn của đài truyền hình VTC14 về “lợn siêu nạc” và một số vấn đề đang được dư luận quan tâm. Ban biên tập xin được trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn đó.
Hỏi: Thưa ông, hiện nay dư luận đang rất quan tâm đến vấn đề lợn siêu nạc, là một chuyên gia chăn nuôi PGS có quan điểm ra sao?
Trả lời:
Thực ra thì không phải dư luận đang quan tâm đến vấn đề “lợn siêu nạc” mà là vấn đề “dùng hoá chất để kích thích lợn tạo nhiều nạc”.
“Lợn siêu nạc” nhằm chỉ những giống lợn (hay con lai thương phẩm) có khả năng cho nhiều nạc. Đây là một thành tựu rất lớn của khoa học công nghệ chăn nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu protein động vật trong khẩu phần ăn của con người. Ăn thịt của những “lợn siêu nạc” như vậy thì hoàn toàn tốt, có lợi cho sức khỏe. Ăn thịt nhiều mỡ không có lợi cho sức khoẻ vì dễ gây ra các chứng bệnh về tim mạch và một số bệnh khác. Do vậy, tạo ra các giống “lợn siêu nạc” là một hướng đi đúng trong ngành chăn nuôi.  
Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu thịt nạc của người tiêu dùng, tức là của thị trường, người ta đã dùng một số hoá chất có hại để kích thích lợn tạo nạc. Đây lại là một việc làm trục lợi vô lương tâm vì các hoá chất đó sẽ tồn dư trong sản phẩm chăn nuôi và có ảnh hướng xấu đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Chính vì thế, sự quan tâm của dư luận hiện nay là rất đúng, có cơ sở. Do đó, cần phải nghiêm cấm việc dùng hoá chất có nguy cơ độc hại để tạo thịt nạc trong chăn nuôi. Chúng ta chỉ cho phép tạo thịt nạc sạch, đảm bảo yêu cầu về VSAT thực phẩm.
 
Hỏi: Trước thực trạng thực phẩm từ thịt gia súc gia cầm không đảm bảo vệ sinh nhiều người cho rằng để lợn nhiều nạc ít mỡ là do hóa chất. Tuy nhiên bên cạnh việc dùng các hóa chất thì còn yếu tố giống. Vậy sự khác biệt giữa 2 biện pháp này là gì?
Trả lời:
Để tạo lợn có nhiều nạc ít mỡ thì có thể dùng hoá chất như tôi đã vừa nói. Tuy nhiên, trong chăn nuôi, để tạo lợn siêu nạc người ta thường dùng biện pháp giống kết hợp với nuôi dưỡng. Giữa hai biện pháp: tăng tỷ lệ nạc bằng giống kết hợp nuôi dưỡng hợp lý và tăng tỷ lệ nạc bằng hoá chất là có sự khác biệt về mục đích, cơ chế và do đó mà có sự khác nhau về kết cục.
Việc tạo lợn nạc đã được các nhà khoa học chăn nuôi tiến hành từ lâu nay thông qua công tác giống (chọn lọc di truyền có định hướng và lai giống) để có những con lợn có chứa nhiều gen tạo protein (tức là tạo thịt nạc). Bằng con đường này, trên thế giới người ta đã tạo ra một số giống lợn cho tỷ lệ thịt nạc rất cao như lợn Durốc hay lợn Petrain. Những giống lợn siêu nạc này và con lai của chúng cũng đã được nuôi nhiều ở Việt Nam. Đặc biệt, tại Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã có một “Trung tâm giống lợn chất lượng cao” ở đó có giống lợn siêu nạc Petrain kháng stress rất quý được Trường ĐH Liege của Bỉ cấp bản quyền giống gốc.
Để có sản phẩm là lợn thịt siêu nạc thì giống là một tiền đề không thể thiếu, nhưng đi kèm cần có thêm các giải pháp về nuôi dưỡng phù hợp mới phát huy hết tiềm năng di truyền về tạo nạc của con giống. Chẳng hạn, khẩu phần ăn cho lợn nạc phải có nhiều protein hơn so với cho lợn thường. Hơn nữa, thời gian nuôi cũng thường phải ngắn hơn để hạn chế tích luỹ mỡ.
Việc dùng các hoá chất kích thích tạo nạc cũng đã được áp dụng, hay nói đúng hơn là lạm dụng, trong chăn nuôi. Cách này không thông qua cơ chế di truyền mà thông qua cơ chế hoá sinh. Ví dụ: clenbuterol, một hợp chất thuộc nhóm beta-agonist, vốn là một loại thuốc làm giãn phế quản trong điều trị bệnh suyễn trên người, nhưng hiện đang bị lạm dụng trong chăn nuôi lợn ở nước ta để tạo nạc vì khi dùng nó trên động vật sản xuất thịt sẽ dẫn tới sự chuyển hướng một số lượng lớn các chất dinh dưỡng từ mô mỡ về cơ, làm tăng sự tổng hợp protein thay vì mỡ, do đó nó có tác dụng làm tăng lượng thịt nạc và giảm lượng mỡ của cơ thể. Tuy nhiên, hoá chất này thường bị tồn dư trong thịt và gây độc cho người tiêu thụ.  Các triệu chứng ngộ độc thường thấy là run cơ, tim nhanh, hồi hộp, thần kinh bị kích thích kéo dài nhiều giờ cho đến nhiều ngày.
 
Hỏi: Đã có ý kiến cho rằng chăn nuôi hiện nay đang tạo ra những thực phẩm trái với tự nhiên, ví dụ như thời gian chăn nuôi rút ngắn nhưng vật nuôi lại có trọng lượng lớn hơn, tỉ lệ thịt theo ý muốn hoặc thay thế loại thức ăn điển hình như tại Mỹ tại các trang trại nuôi bò thay vì cho ăn cỏ thì những người nông dân ở đây lại cho bò ăn ngô vì ngô rẻ và bò nhanh béo. Vậy thưa ông những biến đổi được nêu trên liệu có gây ra tác động tiêu cực gì hay không?
Trả lời:
Đây là một câu hỏi rất hay, nhưng nói “tạo ra những thực phẩm trái với tự nhiên” thì không đúng vì thịt, trứng, sữa … vẫn là những sản phẩm hoàn toàn “tự nhiên”. Điều “trái với tự nhiên” ở đây là cách thức người ta chăn nuôi “trái với tự nhiên”. 
Chăn nuôi thế giới hiện nay đa phần được thâm canh theo hướng công nghiệp hóa, gọi là chăn nuôi công nghiệp. Kiểu chăn nuôi này rất phổ biến ở các nước phát triển. Theo ước tính có khoảng 74% thịt gia cầm, 43% thịt bò và 68% trứng gia cầm trên thế giới được sản xuất kiểu này. Một trong những quan ngại lớn trên thế giới hiện nay là chính quá trình hiện đại hóa về kỹ thuật và thương mại hóa vì lợi nhuận đã làm cho ngành chăn nuôi ngày càng trở nên vô nhân đạo hơn. Sự vô nhân đạo này thể hiện trên 3 khía cạnh:
-        Vô nhân đạo với đối tượng chăn nuôi (tước bỏ những quyền lợi cơ bản nhất của con vật);
-        Vô nhân đạo đối với người sử dụng sản phẩm chăn nuôi (sản phẩm chăn nuôi không an toàn cho người tiêu dùng);
-        Vô nhân đạo đối với môi trường sinh thái (gây ô nhiễm và hủy hoại đa dạng sinh học).
 
Hỏi: Xin ông cho biết thêm về vấn đề vi phạm “quyền lợi động vật” trong chăn nuôi?
Trả lời:
Vấn đề vi phạm “Quyền lợi động vật” đang được thế giới quan tâm rất nhiều. Nó không chỉ đơn thuần là vấn đề đạo đức, mà còn là vấn đề kinh tế và xã hội. Cũng chính vì thế Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với Hiệp hội bảo vệ động vật thế giới (WSPA) lập nên một trang web về Quyền lợi động vật “Animal Welfare” để phổ biến về chủ đề này.
Tôi không thể nêu được tất cả những vi phạm về QLĐV trong chăn nuôi hiện nay trong buổi hôm nay. Chỉ xin nêu vài ví dụ:
-   Về môi trường sống, chăn nuôi công nghiệp đã làm cho vật nuôi mất đi môi trường sống tự nhiên, không có điều kiện để cho chúng thể hiện những bản năng tự nhiên vốn có của nòi giống. Chẳng hạn, gà trong trại nuôi thâm canh được cho ăn để chúng đạt khối lượng giết thị trước sáu tuần tuổi, tức là bằng một nửa thời gian đối với cách chăn nuôi truyền thống. Cuộc sống của chúng rất ngắn ngủi ở trong những ô chuồng chật chội mà không được đi ra ngoài trời, thậm chí không được vỗ cánh hay tắm bụi theo bản năng tự nhiên của chúng.   
Trong điều kiện sống tự nhiên, bò có thể sống đến hai mươi năm hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, những con bò sữa cao sản hiện nay chỉ có thể sống bằng một phần tư thời gian đó. Chúng thường bị loại thải để giết thịt sau khoảng ba chu kì tiết sữa vì một số lý do về sức khỏe như què, viêm vú, vô sinh.
-   Về sản xuất sản phẩm, chăn nuôi hiện đại đã tạo ra những giống vật nuôi có năng suất sản phẩm quá cao so với yêu cầu “tự nhiên” của loài vật. Chẳng hạn, hiện nay đã có những loại bò sữa một ngày có thể sản xuất ra một lượng sữa gấp 5-10 lần, thậm chí 20 lần, so với nhu cầu bú sữa “tự nhiên” của con bê do nó đẻ ra. Việc chọn lọc di truyền để cho năng suất cao đã làm tăng tính mẫn cảm của con vật đối với bệnh tật, đặc biệt là viêm vú và viêm móng. Một con bò sữa hiện đại có thể chứa vài chục lít sữa trong một bầu vú to quá cở. Điều này có thể bắt buộc chân sau của bò ở vị trí không tự nhiên, làm cho đi lại khó khăn, và có thể dẫn đến kết quả là đi đứng không vững hoặc bị què. Trong chăn nuôi bò thịt cũng vậy, đã có những giống bò chuyên thịt không còn “tự nhiên” được nữa. Ví dụ, giống bò BBB của Bỉ cuồn cuộn cơ bắp trong khi bộ xương phát triển kém và hậu quả là nó không thể đẻ “tự nhiên” được nữa, tất cả bò đẻ đều phải mổ để lấy thai ra.
-   Về thức ăn chăn nuôi, đáng lẽ ra “lợn thì ăn cám ăn bèo, trâu bò ăn cỏ, người nghèo ăn khoai”, như các cụ ta đã nói, vì nó phù hợp với sinh lý tiêu hoá của từng loài, vừa phù hợp với sinh thái dinh dưỡng nói chung, không tạo ra sự cạnh tranh thức ăn. Thế nhưng, trong chăn nuôi công nghiệp hiện đại thức ăn cho tất cả các loài đều có xu hướng thiên về sử dụng thức ăn tinh, tức là thức ăn dựa trên nền ngũ cốc. Điều này không có lợi cho sức khoẻ của các loài gia súc nhai lại và không có lợi cho sinh thái dinh dưỡng. Không có lợi cho sức khỏe vì gia súc nhai lại ăn nhiều thức ăn tinh dễ bị mắc rất nhiều bệnh như bị axit dạ cỏ, dẫn tới toan huyết, rối loạn trao đổi chất, bị các bệnh về chân móng, và cũng có thể bị chết cấp tính khi ăn quá nhiều một lúc. Không những thế, về mặt sinh thái dinh dưỡng, nó tạo ra sự cạnh tranh thức ăn tinh (ngũ cốc) giữa các loài vật nuôi cũng như với con người, đặc biệt trong bối cảnh năng lượng hoá thạch đang cạn kiệt dần và người ta đã phải dùng ngũ cốc để sản xuất nhiên liệu sinh học thay thế.
Thái độ của cộng đồng thế giới về quyền lợi động vật đã và đang được cải thiện cùng với sự phát triển của xã hội. Có nhiều lý do buộc chúng ta phải tôn trọng quyền lợi động vật. Việc tôn trọng con vật trong chăn nuôi sẽ làm cho vật nuôi sống được tự nhiên hơn, các nhu cầu được đáp ứng tốt hơn nên sẽ khỏe mạnh hơn, cho năng suất tốt hơn và cuối cùng đem lại lợi ích kinh tế tốt hơn cho chính con người. Người tiêu thụ thực phẩm ngày càng ý thức cao hơn về chất lượng thực phẩm mà họ ăn vào, trong đó có cả yêu cầu được biết thực phẩm mà họ tiêu thụ đã được sản xuất thế nào, con vật nuôi được đối xử như thế nào. Những sản phẩm chăn nuôi từ các hệ thống không đáp ứng được quyền lợi động vật ngày càng bị người tiêu dùng khước từ sử dụng. 
Chính vì thế mà các nước phát triễn đã có những quy định rất nghiêm ngặt về quyền lợi động vật trong chăn nuôi cũng như trong sử dụng động vật làm thí nghiệm. Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã yêu cầu rằng “Việc sử dụng động vật phải được gắn liền với trách nhiệm đạo đức để đảm bảo quyền lợi của động vật đó đạt tới mức cao nhất có thể được” (Bộ luật quốc tế về thú y, 2006). Đảm bảo quyền lợi của động vật có thể được tóm tắt ở “5 không”, gồm: (1) Không bị đói khát; (2) Không bị sợ hãi và dày vò; (3) Không bị bí bức về thể xác; (4) Không bị đau đớn, tổn thương và bệnh tật; và (5) Không bị hạn chế thể hiện những tập tính bản năng.
 
Hỏi: Xin ông cho biết thêm về vấn đề sản phẩm chăn nuôi không an toàn cho người tiêu dùng.
Trả lời:
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sản phẩm chăn nuôi không an toàn. Tôi chỉ xin nói về sản phẩm chăn nuôi không an toàn do dùng một số hoá chất trong chăn nuôi:
-   Kháng sinh có thể cho vào thức ăn với mục đích kích thích tăng trọng cho gia súc, cho vào nước uống để phòng/chữa bệnh, tiêm vào súc vật hoặc cho súc vật uống trước khi giết thịt với mục đích kéo dài thời gian, tránh hư hỏng thịt tươi, có thể cho thẳng vào thực phẩm với mục đích ức chế, tiêu diệt vi sinh vật để bảo quản thực phẩm… Tất cả những nguyên nhân trên làm cho sản phẩm chăn nuôi, thủy sản có tồn dư kháng sinh, ảnh hưởng không tốt đối với người tiêu thụ. Bất cứ kháng sinh nào dùng để chữa bệnh cho người và động vật, nếu còn tồn dư một lượng dù nhỏ nhất cũng có thể gây kháng thuốc đối với VSV gây bệnh.
-   Hóc môn cũng được sử dụng nhiều để tăng sản lượng thịt, sữa trong chăn nuôi. Các hormon sinh dục hay những hợp chất có tác động giống với hormon sinh dục có tác dụng thúc đẩy sự đồng hóa, tích lũy protein và chất béo (testosterone kích thích tích lũy nhiều protein, oestrogene kích thích tích lũy nhiều chất béo). Các loại thực phẩm từ gia súc được xử lý bằng hormone từ lâu bị tình nghi làm rối loạn nội tiết dẫn đến nhiều hiện tượng như dậy thì sớm ở trẻ em, ung thư tử cung, đàn ông có vú to như phụ nữ, đồng tính luyến ái…
Các hợp chất thuộc họ beta-agonist là các dẫn xuất tổng hợp của chất catecholamine (adrenaline) như clenbuterol (mà tôi đã đề cập đến) khi dùng trên động vật sản xuất thịt sẽ kích thích tăng sự tổng hợp protein thay vì mỡ, do đó nó có tác dụng làm tăng lượng thịt nạc và giảm lượng mỡ của cơ thể. Tác động gây độc cấp tính của các beta-agonist đã được đề cập đến rất nhiều vụ ngộ độc trên người sau khi tiêu thụ các sản phẩm có nhiễm chất clenbuterol hay salbutamol. Thế nhưng những hoá chất này lại đang được sử dụng lậu trong chăn nuôi lợn ở nước ta như vừa qua đã được dư luận nhắc tới nhiều.
 
Hỏi: Xin ông cho biết thêm về vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi.
Trả lời:
Như Henning Steinfeld, chủ tịch Phân bộ Tài liệu Chăn nuôi và Chính sách của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc  đã nói: "Chăn nuôi là một trong những nguồn đóng góp đáng kể nhất gây ra vấn đề môi trường nghiêm trọng hiện nay. Cần có hành động khẩn cấp để cứu vãn tình trạng này."
Chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường thông qua phát thải chất thải rắn, chất thải lỏng và chất thải khí, kể cả các khí gây hiệu ứng nhà kính như khí mêtan. Trong điều kiện một nước đang phát triển, đất chật, người đông trong vùng nhiệt đới như nước ta thì vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi càng trở nên nan giải hơn. Môi trường bị ô nhiễm có thể là đất, nước (cả nước bề mặt và nước ngầm) và không khí (kể cả biến đổi khí hậu).
Chăn nuôi hiện đại còn ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái do thiên về sử dụng các giống vật nuôi “hiện đại” có năng suất cao, trong khi đó các giống bản địa có nhiều tính trạng quý (như thích nghi và kháng bệnh tốt, sử dụng tốt các nguồn thức ăn bản địa, sản phẩm phù hợp với thị hiếu ẩm thực của người dân…)  lại bị yếu thế và rất nhiều giống đã bị tuyệt chủng, do đó đe doạ nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học.
 
Hỏi: Xin ông cho biết xu hướng của chăn nuôi thế giới hiện nay?
Trả lời:
Xã hội loài người phát triển ngày càng văn minh hơn và con người ngày càng có xu hướng không thể chấp nhận những hệ thống chăn nuôi hiện đại nhưng lại vô nhân đạo, mà đang hướng tới một nền “chăn nuôi văn minh”. Chăn nuôi văn minh khác với chăn nuôi hiện đại hay chăn nuôi công nghiệp ở chỗ nó dựa trên 3 trụ cột:
1.       Tôn trọng vật nuôi (tức là đảm bảo quyền lợi động vật);
2.       Tôn trọng người tiêu dùng (tức là cung cấp thực phẩm an toàn);
3.       Tôn trọng môi trường sinh thái (tức là giảm thiểu chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học).
Đó chính là xu hướng phát triển của chăn nuôi thế giới, điều mà các nhà hoạch định chính sách chăn nuôi, các nhà khoa học, người chăn nuôi và người tiêu dùng nước ta cần ý thức được một cách rõ ràng.
PV:  Xin trân trọng cám ơn PGS đã giành thời gian cho buổi phỏng vấn.
Chia sẻ bài viết: :
 
Thiết kế bởi: Free Blogger Templates | VNBLOGGER | Thư viện Online | Tin khuyến mại | Sổ tay Online Xem Phim: Phim Ánh Trăng
Copyright © 2016. Nông Nghiệp - By Blogger.com