Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Khoa Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ), nhiều hộ chăn nuôi ở Sóc Trăng đã xây dựng thành công mô hình “nuôi heo tiên tiến” với hiệu quả và chất lượng rất cao.
Chuồng heo không mùi
Đứng cách cổng chuồng chừng 5m, cạnh một chiếc cầu đúc rải đầy vôi bột, nếu không được giới thiệu trước, không ai trong chúng tôi có thể nhận ra đây là một “chuồng heo”, vì sự khang trang, sạch sẽ và đặc biệt là… không có mùi “hôi heo”.
Anh Huỳnh Xúng (xã Thạnh Hoà, huyện Châu Thành), chủ “trại heo tiên tiến” này, cho biết: Trại đã xây dựng từ đầu năm 2009 với chi phí đầu tư ban đầu ước tính gần 400 triệu đồng. Ngoài hệ thống cổng, cầu và đường cách ly mầm bệnh, hai khu chuồng trại được xây khép kín trong diện tích khoảng gần 1.000m2, nền móng kiên cố, sàn xi măng sạch sẽ. Hệ thống đường nước và chất thải ngầm kín, đảm bảo vệ sinh và dẫn thẳng vào 2 bồn ủ biogas đặt ngầm dưới lòng đất. Toàn bộ hệ thống nước tưới vệ sinh chuồng trại, nước uống và máng ăn của heo đều được “tự động hoá” bằng các van điều khiển. Bên cạnh các chuồng là hệ thống 2 cái ao lớn dùng để lắng lọc nước thải trước khi thải ra sông. Ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Chi cục Thú y về phòng trừ và tiêm phòng dịch bệnh cho đàn heo, hàng tuần toàn bộ sàn, trại, cống ngầm… được cho rải vôi bột sát trùng 1 lần. Theo chủ nhân của mô hình này, trước kia với số lượng đàn chỉ khoảng 400 con nuôi theo kiểu chuồng truyền thống, chất thải ra đã gây ảnh hưởng lớn đến vệ sinh môi trường, mùi hôi thối rất khó chịu luôn ảnh hưởng lớn đến cả khu vực dân sinh rộng. Mỗi ngày, anh phải cần đến 4 người chăm sóc, cho heo ăn, vệ sinh chuồng trại… Từ khi áp dụng mô hình “nuôi heo tiên tiến” này, anh chỉ thuê 2 người phụ giúp.
Ông Trần Văn Tâm – Giám đốc Trung tâm Giống tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Từ sự hỗ trợ của dự án, Trung tâm Giống đã nhập giống heo siêu thịt khoẻ mạnh từ Canada và phân phối cho bà con. Kỹ thuật chuồng trại, xử lý phòng trừ dịch bệnh đã có phía Chi cục Thú y và chuyên gia từ Khoa Nông nghiệp (ĐHCT) luôn sát cánh tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn.
Ấn tượng về hiệu quả…
Năm 2007, Dự án ban đầu chỉ hỗ trợ triển khai thí điểm mô hình “nuôi heo tiên tiến” ở một số hộ. Nhưng chỉ sau 1 năm, thấy được hiệu quả cao, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có gần 100 hộ liên lạc với Trung tâm Giống, lên tận Khoa Nông nghiệp (ĐHCT) để học tập kiến thức và về tự triển khai. Trong đó, phải kể đến trang trại của anh Hải Nghĩa ở TP.Sóc Trăng, với quy mô trên 200 heo nái và hàng trăm heo thịt. Theo tính toán, dù chi phí đầu tư ban đầu có cao, nhưng nếu so sánh hiệu quả, mô hình này sẽ tiết kiệm từ 70% công chăm sóc, nguồn nước, chi phí thuốc men so với nuôi kiểu cũ. Ngoài ra, do quản lý tốt thức ăn theo hệ thống, nông dân sẽ tiết kiệm chi phí thức ăn và tăng lợi nhuận từ 10-15% cho mỗi lứa heo xuất chuồng.
Không chỉ có thế, một số mô hình mới áp dụng tương tự ở ngay TP.Sóc Trăng, cũng cho thấy hiệu quả rất cao về bảo vệ môi trường. Theo tính toán của các chủ trang trại, với số lượng heo khoảng 500 con, mỗi tháng có thể thu 500.000-600.000 đồng từ nguồn bán phân chuồng. Những hộ gia đình nuôi theo quy trình này còn được cái lợi trước mắt: Xài gas “miễn phí” từ các hố biogas luôn căng đầy; trung bình tiết kiệm chi phí khí đốt từ 250.000 đồng/tháng/hộ. Các chủ trại đều khẳng định: Đàn heo nái khoẻ mạnh và tỉ lệ chết con mỗi lứa rất thấp, chỉ còn khoảng 8-10% (so với mức 50-60% trước kia). Đàn heo thịt cũng ít bệnh hơn, rất mau lớn và giảm từ 70-90% chi phí thuốc men… Từ khi thực hiện mô hình, hơn 2 năm nay bệnh heo tai xanh không xuất hiện trở lại.
Hiện tại, mức giá heo hơi trung bình ở Sóc Trăng khoảng 34.000-36.000 đồng/kg; nhưng giá “heo tiên tiến” phải từ 38.000 đồng/kg và cánh thương lái luôn chạy đua đặt hàng trước. Tức ngoài khoản lợi nhuận thông thường, bình quân mỗi tấn heo hơi xuất chuồng người nuôi sẽ “bỏ túi” thêm khảong từ 2-4 triệu đồng từ chênh lệch giá.
(Theo nhanong.net)