Với những đặc điểm sinh học như: thân nhiệt cao, cường độ trao đổi chất mạnh, tốc độ tiêu hóa thức ăn nhanh, tuần hoàn máu nhanh, hô hấp mạnh, linh hoạt và rất nhậy cảm với tác động của môi trường nên trong chăn nuôi gia cầm đòi hỏi cần phải cung cấp một khẩu phần thức ăn cân đối, không thiếu, không dư thừa, thức ăn phù hợp với trạng thái sinh lý và tình trạng năng suất của chúng...
I. Nước
- Nước có vai trò rất quan trọng trong quá trình trao đổi chất ở gia cầm, việc thiếu nước uống trong chăn nuôi gà công nghiệp thường gây hậu quả nghiêm trọng cho đàn gà, gà có thể bị chết sau 24 giờ bị khát nước, thậm chí thiếu 10% nước uống gà thịt sẽ chậm lớn, hiệu quả sử dụng thức ăn kém, năng suất gà đẻ trứng giảm mạnh hoặc ngưng đẻ.
- Cơ thể gia cầm chỉ có thể tạo ra một lượng nhỏ nước từ sản phẩm của các phản ứng oxy hóa chất dinh dưỡng (khi trao đổi 1g chất béo tạo ra 1,2 g nước, 1g chất protein tạo ra 0,62 g nước, 1g chất glucid tạo ra 0,5 g nước), lượng nước này quá ít so với nhu cầu của cơ thể nên hàng ngày gia cầm phải nhận một lượng nước từ ngoài qua ăn uống. Trong khi thức ăn của gia cầm (đặc biệt của gà) là thức ăn khô chỉ chứa 8 – 12% nước vì vậy gà phải được uống nước tự do, liên tục hàng ngày.
- Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu nước uống của gà như: nhiệt độ môi trường, cơ cấu thức ăn…
Bảng 1: Nhu cầu nước uống của gà
Loại gà | Tuổi (tuần) | Lượng nước tiêu thụ hằng ngày cho 1000 gà (lít/ngày) | |
200C | 320C | ||
Gà thịt Gà hậu bị Gà đẻ thương phẩm Gà giống thịt | 0 – 2 2 – 3 3 – 6 10 – 20 200 230 | 25 100 280 140 400 400 | 50 210 600 220 400 400 |
II. Protein
- Protein hay còn gọi là chất đạm là chất cần thiết nhất trong mọi sinh vật và thực vật với vai trò tham gia vào thành phần của nguyên sinh chất trong tế bào sống. Ngoài cấu trúc cơ thể, protein còn tham gia vào các nhóm chất có hoạt tính sinh học cao như enzym, hoocmon để điều khiển quá trình trao đổi chất và quá trình sống, đồng thời tham gia vào hệ thống bảo vệ cơ thể như tế bào bạch huyết, kháng thể… Protein còn đóng vai trò quan trọng trong sinh sản, tạo tinh trùng và trứng.
- Các nguyên liệu chứa nhiều protein như là: Đạm động vật: bột cá, bột thịt, bột huyết, bột sữa, bột tôm tép; Đạm thực vật: các loại khô đậu nành, xanh, phộng… Không nên sử dụng nhiều đạm động vật trong khẩu phần thức ăn cho gà vì giá thành cao, đạm thực vật có giá thành rẻ hơn và cho sản phẩm thơm hơn nhưng cần phải chú ý đến hiện tượng nấm mốc vì sẽ gây những hậu quả ngộ độc, hủy hoại gan, chậm lớn, giảm năng suất nuôi… bên cạnh đó cũng phải quan tâm đến vấn đề loại bỏ chất đối kháng dinh dưỡng có trong khô đậu nành bằng cách xử lý qua nhiệt độ cao.
- Tỷ lệ protein chiếm 15 – 35% trong khẩu phần. Sử dụng thức ăn để cung cấp protein thực chất là cung cấp axit amin cho cơ thể theo nhu cầu duy trì và thay thế những tế bào thoái hóa, nhu cầu cho sự tăng trưởng, sự sinh sản, đẻ trứng. (trong đó nhu cầu cho tăng trọng ở gia cầm non là nhiều hơn cả, tiếp theo là tạo trứng và đẻ trứng). Đối với gia cầm, trong số các axit amin thiết yếu có một số axit amin giới hạn thường chứa ít trong nguyên liệu như Methionin, Lysin, Tryptophan, Threonin, Arginin... thường được bổ sung vào thức ăn vừa đủ (khoảng 0,1 – 0,2%) để thay thế cho các đạm động vật và đạm thực vật để giảm giá thành sản xuất thịt và trứng mà vẫn đảm bảo sự phát triển của gia cầm.
Bảng 1: Nhu cầu protein của các giống gà ở các giai đoạn nuôi
Giống Tuần tuổi | Gà công nghiệp | Gà nuôi bán công nghiệp | ||
AA | Hydro | Gà Tam Hoàng | Gà Ta | |
0 - 3 | 24 | 23 | 20 | 18 |
4 - 6 | 22 | 21 | 18 | 16 |
7 - 10 | 19 | 18 | ||
11 - 12 | 16 | 16 | 15 | |
12 - 20 | ||||
Từ 20 trở đi | 18 |
III. Năng lượng
- Trong dinh dưỡng gia cầm năng lượng thường được xem là nguồn dinh dưỡng giới hạn nhất vì nhu cầu lớn so với các chất dinh dưỡng khác. Nhu cầu năng lượng của gia cầm có thể được xác định là mức năng lượng cần thiết cho sinh trưởng hoặc cho sản xuất trứng và cho duy trì mọi hoạt động sống của cơ thể. Thiếu năng lượng dẫn đến sự suy giảm các quá trình trao đổi chất và các hoạt động chức năng cơ thể gây nên tình trạng còi cọc, chậm lớn, năng suất giảm ở gia cầm sinh sản.
- Trong thức ăn chứa 2 dạng chất dinh dưỡng có thể cung cấp năng lượng chính, đó là Lipid và Glucid.
+ Glucid (hay còn gọi tinh bột) có vai trò cung cấp năng lượng, chuyển hóa thành phần mỡ và đạm cho cơ thể, tạo năng lượng để gà chuyển hóa vật chất và vận động. Glucid chiếm khoảng 60% trong thức ăn cho gia cầm trong các dạng nguyên liệu như: bắp, cám, tấm, khoai mì… Gia cầm sử dụng tinh bột rất tốt, nhưng để tiêu hóa tinh bột cần có vitamin B1, tuy nhiên tinh bột từ củ thì thường thiếu vitamin nhóm B. Cũng cần lưu ý hàm lượng chất độc và tình trạng nấm mốc khi sử dụng khoai mì làm thức ăn cho gia cầm.
+ Lipid (hay còn gọi chất béo) là chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng cao cấp hơn 2 lần so với glucid. Đối với gia cầm, lipid tạo một phần năng lượng và chủ yếu tạo mỡ. Nhu cầu chất béo trong cơ thể gia cầm rất ít: gà con cần dưới 4% (nếu cao hơn sẽ dẫn đến tiêu chảy), gà hậu bị và gà đẻ cần dưới 5% (nếu cao hơn sẽ làm gà mập mỡ khó đẻ), đối với gà nuôi thả có thể cung cấp chất béo nhiều hơn. Trong thức ăn cho gà công nghiệp, người ta sử dụng 2 – 6% dầu thực vật hoặc mỡ công nghiệp có tác dụng tốt, tăng năng suất, giảm tiêu tốn thức ăn. Chất béo còn cung cấp các axit béo thiết yếu như axit linoleic, axit linolenic và axit arachidonic. Chất béo giúp hòa tan các vitamin A, D, E và K, các sắc tố để cho cơ thể dễ hấp thu làm da và mỡ vàng, tăng màu vàng của lòng đỏ trứng. Ngoài ra chất béo trong thức ăn cũng có tác dụng làm giảm độ bụi giúp giảm thiếu các bệnh về đường hô hấp. Khi bổ sung chất béo vào thức ăn cần chú ý bổ sung các chất chống oxy hóa để bảo vệ các axit béo không no, bảo vệ các vitamin trong thức ăn.
Bảng 2: Nhu cầu năng lượng của các giống gà ở các giai đoạn nuôi
Giống Tuần tuổi | Gà công nghiệp | Gà nuôi bán công nghiệp | ||
AA | Hydro | Gà Tam Hoàng | Gà Ta | |
0 - 3 | 3050 | 3000 | 2950 | 2900 |
4 - 6 | 3150 | 3100 | 3050 | 2950 |
7 - 10 | 3200 | |||
11 - 12 | 3000 | |||
12 - 20 | 2750 | |||
Từ 20 trở đi | 2900 |
IV. Vitamin
Vitamin là chất có hoạt tính sinh học cao cần thiết cho các quá trình trao đổi chất của cơ thể sống. Với nồng độ thấp nhưng vitmain có vai trò quyết định sự tồn tại của tất cả quá trình sống. Vitamin tham gia và cấu trúc của các nhóm enzyme xúc tác các phản ứng sinh hóa trong quá trình đồng hóa, dị hóa, quyết định sự sinh trưởng, sinh sản và tính kháng bệnh của gia cầm. Một vài vitamin có thể được vi sinh vật trong ruột tổng hợp nhưng rất ít nên cần thiết phải được bổ sung theo thức ăn hoặc nước uống. Khi thiếu hoặc thừa vitamin sẽ gây nên những tình trạng đặc trưng như sau:
1. Vitamin A:
- Vitamin A có vai trò quan trọng trong việc điều hòa trao đổi protein, lipid, glucid, cần thiết cho sự hoạt động bình thường của tuyến giáp trạng, vỏ tuyến thượng thận, các tế bào biểu mô, là nguyên liệu tạo rodopxin của thị giác. Thiếu vitamin A gà con còi cọc, chậm lớn, sừng hóa và viêm niêm mạc mắt, sừng hóa thanh khí quản nên dễ bị bệnh hô hấp, bệnh cầu trùng sẽ nặng thêm và khó chữa, gà dễ mắc những bệnh nhiễm trùng, tỷ lệ chết cao (gà con chết sau 2 – 4 tuần với triệu chứng thần kinh trước khi chết, mổ khám sẽ thấy ống dẫn niệu tích đầy urat, gà đẻ giảm năng suất trứng do buồng trứng phát triển kém, niêm mạc ống dẫn trứng bị sừng hóa, vỏ trứng mỏng, tỷ lệ thụ tinh thấp, tỷ lệ chết phôi cao, thường chết phôi.
- Nguồn vitamin A và sắc tố vàng được cung cấp từ những thực liệu chứa nhiều caroten như bắp vàng, bột cỏ giúp cho màu lòng đỏ trứng đậm hơn, da và mỡ gà vàng. Vitamin A dễ hư hỏng khi trộn vào thức ăn nên cần có thêm chất chống oxy hóa, khi tồn trữ thức ăn lâu sẽ bị mất vitamin A.
- Nhu cầu vitamin A ở gia cầm phụ thuộc vào tuổi và sức sản xuất của chúng: gia cầm non đang sinh trưởng nhanh cần khoảng 12000 – 15000 IU/kg thức ăn, gà đẻ trứng cần 10000 – 12000 IU.
2. Vitamin D:
- Vitamin D tham gia vào quá trình trao đổi chất khoáng, protein và lipid. Giúp điều hòa quá trình gắn kết Ca, P và Mg vào xương, kích thích các phản ứng oxy hóa khử. Khi thiếu vitamin D gia cầm non mắc bệnh còi xương, xương chân và xương lưỡi hái cong, dị dạng; gà đẻ bị bệnh xốp xương, xương dễ gẫy, bại liệt chân, lòng trắng trứng loãng, vỏ trứng mỏng, dễ vỡ, tỷ lệ ấp nở thấp, phôi chết nhiều ở ngày ấp thứ 19 – 20.
- Nhu cầu vitamin D tùy thuộc vào giống gà, gà có sức sinh trưởng và năng suất trứng cao thì nhu cầu vitamin D cao, gà nuôi nhốt trong chuồng thiếu ánh sáng thì nhu cầu vitamin D cao, khẩu phần không cân đối Ca và P cũng khiến gà cần nhiều vitamin D. So với vitamin A, chỉ nên cung cấp vitamin D với tỷ lệ: D/A= 1/8 – 1/10, không nên cung cấp dư vitamin A và D (quá 25.000 IU/kg thức ăn vitamin A; 5.000 IU/kg thức ăn vitamin D3) vì sẽ gây vôi hóa ở thận, nếu kèm với dư protein thì tình trạng dư thừa sẽ nguy hiểm dễ gây chết.
3. Vitamin E:
- Vitmin E giúp ngăn cản quá trình oxy hóa, bảo vệ các hợp chất sinh học và các acid béo chưa no, tạo điều kiện thuận lợi trao đổi Phospho, glucid và protein, kích thích sự tạo thành các hoocmon thùy trước tuyến yên, tăng cường sự hấp thu các vitamin A và D, giúp ổn định thành mạch, màng tế bào của tuyến sinh dục. Thiếu sẽ gây tình trạng gà bị ngẹo đầu, mỏ trúc xuống, mất thăng bằng, đi đứng loạng choạng, đi thụt lùi, hoại tử cơ trắng vùng cơ ức và cơ đùi (giống như tình trạng thiếu Selen); ở gia cầm sinh sản sẽ giảm tỷ lệ thụ tinh, giảm tỷ lệ đẻ, trứng đã thụ tinh có phôi phát triển kém, phôi chết nên tỷ lệ ấp nở thấp.
- Vitamin E có nhiều trong các mầm hạt, bột lá cây xanh non sấy nhanh, vitamin E rất dễ bị phá hủy trong không khí, nhạy cảm với oxy và ánh sáng.
- Nhu cầu vitamin E cho gia cầm là 20 IU/kg thức ăn, khi hàm lượng chất béo trong thức ăn tăng cao 8 – 10% thì nhu cầu vitamin E tăng đến 30 IU.
4. Vitamin K:
Vitamin K có tác dụng làm đông máu, được sử dụng trong thức ăn cho gà con và gà đẻ để phòng chống xuất huyết khi bị bệnh cầu trùng và bệnh Gumboro với liều 2 mg/kg thức ăn sẽ cải thiện được tỷ lệ nuôi sống.
5. Vitamin nhóm B:
+ Vitamin B1:
- Gia cầm rất nhậy cảm với việc thiếu vitamin B1, khi thiếu dẫn đến triệu chứng chân đưa về phía trước, các ngón chân run, đầu ngẩng lên trên (ngược với thiếu vitamin E đầu gập xuống), đi đứng khó khăn, tích nước trong mô nên thịt nhão, phù nề do tích nước dưới da nhiều, nhu động ruột kém nên tiêu hóa kém, gà ăn ít, tình trạng nặng có thể co giật và chết. Gia cầm thường thiếu B1 trong trường hợp sử dụng nhiều thức ăn củ như khoai mỳ, khoai lang hoặc thức ăn hạt dự trữ lâu ngày, bảo quản không tốt nên bị mốc.
- Nguồn thức ăn chứa nhiều B1 như nấm men, men rượu, sử dụng chế phẩm từ nấm men 2 – 3% hoặc cám gạo, cám mỳ 5 – 10% trong thức ăn cho gia cầm sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vitamin B1 cho gia cầm là 2mg/kg thức ăn.
+ Vitamin B2:
- Thiếu vitamin B2 gà con sẽ bị còi cọc, chậm lớn, lông xù, viêm quanh khóe mắt, chân bị liệt ngón co quắp, di chuyển khó khăn, mắt nhắm, ghèn dính làm mắt mở khó khăn. Gà đẻ giống sẽ giảm tỷ lệ ấp nở, phôi chết nhiều ở ngày ấp thứ 12 – 18, gà con mới nở bị liệt chân.
- Cần cung cấp cho gà con 3 – 4 tuần tuổi lượng vitamin B2 là 8mg/ kg thức ăn, các loại gà khác cần 5 – 6 mg/kg thức ăn.
- Vitamin B2 có nhiều trong các loại rau quả xanh non, mầm hạt, nấm men. Vitamin B2 rất dễ bị oxy hóa trong không khí và mau hư.
+ Vitamin B3:
- Thường chỉ gặp trường hợp thiếu do thức ăn bị sấy ở nhiệt độ cao làm vitamin B3 bị phân hủy. Thiếu sẽ gây hiện tượng viêm da ở góc mắt và miệng, viêm nứt các ngón chân, rụng lông, sinh trưởng chậm, giảm sức kháng bệnh, gà đẻ giảm năng suất, tỷ lệ ấp nở giảm.
- Vitamin B3 có nhiều trong các loại thức ăn hạt, nấm men, nghèo trong các loại củ quả. Nhu cầu đối với gia cầm là 20 mg/kg thức ăn hỗn hợp.
+ Vitamin B5:
- Tình trạng thiếu vitamin B5 giống như thiếu vitamin B2 và B3, các lóp biểu bì của da và niêm mạc đường tiêu hóa và hô hấp bị tổn thương, tỷ lệ ấp nở kém.
- Nhu cầu viatmin B5 ở gà con là 40 mg/kg thức ăn, gà đẻ là 30 mg/kg thức ăn.
- Vitamin B5 có nhiều trong thức ăn hạt, thức ăn lên men, thức ăn xanh, thường gặp những tình trạng thiếu vitamin B5 là do trong thức ăn thiếu tryptophan làm cho cơ thể khó hấp thu vitamin B5.
+ Vitamin B6:
- Thiếu sẽ dẫn đến tình trạng giảm tính thèm ăn, ăn ít, chậm lớn, gây thiếu máu.
- Nhu cầu đối với gà thịt là 4,5 mg/kg thức ăn, gà đẻ là 3,5 mg/kg thức ăn, khi tỷ lệ protein trong thức ăn tăng thì nhu cầu vitamin B6 cũng tăng lên.
+ Vitamin B9:
- Vitamin B9 có nhiều trong các loại thức ăn xanh và được vi khuẩn đường ruột tổng hợp, chỉ thiếu khi thức ăn nấu ở nhiệt độ cao hoặc gà bị bệnh đường ruột. Khi thiếu sẽ gây thiếu máu, số lượng hồng cầu giảm, gà con giảm tăng trọng, còi cọc, xuất hiện sự rối loạn sắc tố như trên lông đen, vàng có những đốm trắng. Gà sinh sản cho trứng tỷ lệ ấp nở thấp.
- Nhu cầu vitamin B9 cho gà con là 1mg/kg thức ăn, gà đẻ là 0,7 mg/kg thức ăn.
+ Vitamin B12:
- Khi thiếu gây hiện tượng thiếu máu, giảm tăng trọng, sức kháng bệnh kém, gà đẻ giảm tỷ lệ ấp nở, phôi chết nhiều, và kéo theo thiếu Cholin.
- Vitamin B12 có nhiều trong thức ăn động vật, vi sinh vật.
- Nhu cầu vitamin B12 ở gia cầm phụ thuộc vào sự cung cấp đủ Methionin, Cholin, Vitamin B9, vitamin B3, nếu thiếu những chất này thì nhu cầu B12 sẽ tăng lên. Khi các chất trên đã cung cấp đủ thì nhu cầu vitamin B12 của gia cầm là 10 - 15 µg/kg thức ăn.
6. Cholin:
Là vitamin thuộc nhóm B, khi thiếu gây triệu chứng gan nhiễm mỡ, thiếu máu, rối loạn phát triển bộ xương, gà thường bị yếu chân. Nếu trong khẩu phần thức ăn có cung cấp đủ các vitamin khác như B12, B6, B9 và axit amin Methionin thì nhu cầu Cholin chỉ khoảng 600 – 1.300 mg/kg thức ăn. Cholin có nhiều trong các hạt họ đậu, nấm men.
7. Vitamin C: tham gia quá trình hô hấp tế bào, tăng cường các phản ứng oxy hóa khử, kích thích sự sinh trưởng và đổi mới tổ chức tế bào, tăng cường khả năng tạo huyết sắc tố, thúc đẩy sự đông máu, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, chống stress, tạo điều kiện gia tăng năng suất và phẩm chất trứng, tinh trùng, có tính chất chống oxy hóa trong cơ thể. Vitamin C được tổng hợp trong cơ thể nhưng trong những trường hợp gia cầm bị bệnh hoặc trong tình trạng stress thì nên cung cấp vitamin C qua thức ăn hoặc nước uống cho gia cầm với liều 100 – 500 mg/kg thức ăn. Khi thời tiết nóng, chủng ngừa, cân gà hoặc đàn gà bị bệnh truyền nhiễm thì dùng vitamin C liều cao giúp cho đàn gà mau chóng ổn định và vượt qua những yếu tố bất lợi.
8. Vitamin H: (hay còn gọi là Biotin) được tổng hợp trong đường tiêu hóa, khi thiếu sẽ gây viêm da, rụng lông, rối loạn sự phát triển của bộ xương, tỷ lệ ấp nở thấp. Nhu cầu vitamin H cho gia cầm là 0,2 mg/kg thức ăn.
V. Chất khoáng
- Chất khoáng có vai trò quan trọng trong việc tạo xương ở gà và tham gia vào các hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Nhu cầu khoáng của gia cầm non và hậu bị là 2 – 3%, ở gia cầm đẻ là 4 – 7% vì cần nhiều Canxi – Phospho để tạo vỏ trứng. Một số chất khoáng tham gia vào quá trình tạo máu như Fe, Cu, Co… một số khác tham gia tạo hệ đệm và men xúc tác cho các phản ứng trong cơ thể như NaCl, K, Mg, Mn, Zn, I, Se...
- Khi thiếu hoặc thừa khoáng chất sẽ gây nên những tình trạng đặc trưng:
+ Thiếu Canxi (Ca) trong cơ thể gia cầm sẽ dẫn đến tình trạng còi xương, giảm tính thèm ăn, chậm lớn, lông xù, trứng mỏng vỏ, tình trạng cắn mổ lẫn nhau gia tăng. Thừa Ca (tỷ lệ 5% trong thức ăn) gây độc với những rối loạn trao đổi chất, giảm tính thèm ăn, chậm lớn, có hiện tượng phù nề, tăng bài tiết Na và Mg, rối loạn thần kinh, gà đi đứng khó khăn, loạng choạng (bệnh gut).
+ Thiếu Phosphor (P) gây kém ăn ở gà con, chậm lớn, khối lượng xương giảm, xương mềm, mô sụn khó chuyển hóa thành xương, các xương bị cong. Tỷ lệ gây độc khoảng 3 – 5%.
+ Thiếu sắt (Fe) ở mức thấp hơn 40 mg/kg thức ăn sẽ gây thiếu máu do thiếu hồng cầu, màu sắc lông cũng bị thay đổi (trong thực tế ít gặp trường hợp thiếu Fe ở gia cầm vì nhu cầu thấp nên khẩu phần ăn có thể đáp đủ). Thừa Fe gây độc khiến gia cầm còi xương, khớp biến dạng, xương bất thường.
+ Thiếu đồng (Cu) ở mức thấp hơn 3 – 4 mg/kg thức ăn sẽ làm giảm khả năng sử dụng Fe, giảm sức kháng bệnh, giảm hàm lượng của vitamin C và B12 trong cơ thể. Thừa sẽ gây tình trạng ngộ độc như loạn dưỡng cơ, mề bị bào mòn, tích nước trong mô, chất chứa manh tràng đen.
+ Thiếu Coban (Co) ở mức thấp hơn 0,1 mg/ kg thức ăn cho gia cầm non, 0,5 mg/kg thức ăn cho gia cầm đẻ thường ít xảy ra trong chăn nuôi gia cầm vì thức ăn có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu.
+ Thiếu muối (NaCl) sẽ làm giảm tính ngon miệng, giảm khả năng tiêu hóa và hấp thu protein, gây cắn mổ và ăn thịt lẫn nhau, khi thừa NaCl (trên 0,7%) sẽ gây tiêu chảy, phân ướt, thừa nhiều sẽ gây ngộ độc, khó thở, tim đập chậm, tiêu chảy phân đen, tích nước xoang bụng, chết nhanh.
+ Thiếu Kali (K) (thấp hơn 0,4 – 0,5%) làm gà con chậm lớn, có hiện tượng nhược cơ, chướng ruột, rối loạn nhịp tim. Thừa K (trên 1%) gây khát nước, sử dụng muối kém hiệu quả, máu cô đặc.
+ Thiếu Magie (Mg) ở mức thấp hơn 0,6% sẽ gây tình trạng kém ăn, lông xơ xác, mọc chậm, gia cầm chậm lớn, loạn nhịp tim, giảm trương lực cơ gây run rẩy, co thắt diều, các muối Ca tích trong thận và tim, tỷ lệ chết cao. Thừa Mg cũng gây bệnh cho gia cầm, xuất hiện triệu chứng perosis, còi xương, vỏ trứng mỏng, rối loạn tiêu hóa, Ca bị thải mạnh theo phân.
+ Thiếu Mangan (Mn) ở gia cầm non sẽ gây hiện tượng sưng các khớp, xương bàn chân; ở gia cầm sinh sản năng suất đẻ giảm, vỏ trứng mỏng, tỷ lệ chết phôi cao. Nhu cầu về Mn ở gia cầm non là 30 – 40 mg/kg thức ăn, gia cầm sinh sản là 25 – 30 mg/kg thức ăn.
+ Thiếu Kẽm (Zn) gia cầm non chậm lớn, rụng lông, lông dễ gẫy, rối loạn nhiễm sắc tố, chân yếu, xuất hiện viêm da sừng hóa, năng suất trứng giảm, vỏ trứng mỏng và có hiện tượng sọc dưa, tỷ lệ ấp nở thấp. Nhu cầu Zn ở gia cầm là 50 – 70 mg/kg thức ăn.
+ Thiếu Iot (I) ở gia cầm sẽ gây chết phôi, rối loạn sự phát triển phôi, giảm tỷ lệ ấp nở, gà con nở ra bị trụi lông, chịu lạnh kém, chậm phát triển, mọc lông chậm. Nhu cầu Iot cho gia cầm là 0,5 mg/kg thức ăn.
+ Thiếu Selen (Se) ở gia cầm sẽ gây thoái hóa cơ trắng, tích nước xoang bụng và bao tim, giảm tỷ lệ ấp nở. Nhu cầu Se cho gia cầm là 0,1 mg/kg thức ăn. Gia cầm không hấp thu được dạng Se nguyên chất. Vì độc tính của Se rất cao nên cần chú ý liều sử dụng và trộn thật đều trong thức ăn, nếu để thừa Se (5mg/kg thức ăn)sẽ gây tính trạng giảm đẻ, tỷ lệ ấp nở giảm, tỷ lệ gà con dị dạng cao, chậm lớn, thiếu máu và chết.