Home » » Một Số Vấn Đề Về Sử Dụng Kháng Sinh Dùng Trong Thú Y - 1

Một Số Vấn Đề Về Sử Dụng Kháng Sinh Dùng Trong Thú Y - 1

Written By Chăn Nuôi on Tuesday, March 12, 2013 | 7:04 PM

     Trong thời gian qua, việc sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị các bệnh truyền nhiễm cho người cũng như cho vật nuôi chưa được quan tâm đúng mức, hiện tượng sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan, không theo quy định...đã gây ra hiện tượng kháng thuốc của vi sinh vật gây bệnh, đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng gây ra hiện tượng đa kháng thuốc ở vi sinh vật gây bệnh, làm giảm hiệu lực của kháng sinh, nguy hiểm hơn là làm mất tác dụng của kháng sinh, hậu quả là người mắc bệnh cũng như vật nuôi có thể chết vì không có kháng sinh điều trị hiệu quả. Chính vì vậy, để giúp mọi người hiều một số vấn để cơ bản về thuốc kháng sinh, từ đó sử dụng kháng sinh đúng trong điều trị.

1. Khái niệm kháng sinh?
     Thuốc kháng sinh là những chất hữu cơ có cấu tạo phức tạp, phần lớn trong số đó lúc đầu do xạ khuẩn, vi khuẩn và nấm sản sinh ra.
     Với nồng độ thấp đã có tác dụng( cả invitro và invivo) ức chế hay tiêu diệt sự sinh trưởng và phát triển của vi sinh vật gây bệnh, nhưng không hay rất ít gây độc cho người, gia súc, gia cầm.

2. Cơ chế hoạt động của kháng sinh:
2.1. Cơ chế tác động của kháng sinh
- Các chất kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn hoặc chế khuẩn đều nhờ có cấu trúc không gian tương tự với cấu trúc không gian của cơ chất nào đó của quá trình chuyển hóa. Bình thường cơ chất này đều được chuyển hóa thành sản phẩm tương ứng nhờ phản ứng sinh hóa có sự xúc tác của một enzym hoặc một chuỗi các enzym.
     Mặc dù các enzym không thay đổi thành phần hóa học sau phản ứng, nhưng trong một thời gian nhất định của phản ứng thành phần của chúng có sự thay đổi, chúng là những vật mang tạm thời các nhóm chức khác nhau phân cắt ra khỏi cơ chất mà sau đó tham gia vào phản ứng với nhóm chức khác cũng trong trung tâm hoạt động của chúng để tạo thành sản phẩm mới.
     Enzym có những tác dụng xúc tác là nhờ có phân tử lượng lớn và có khu vực có cấu trúc không gian tương thích với cấu trúc không gian (của cả hoặc chỉ một khu vực) của cơ chất. Vùng phân tử enzym mà cơ chất gắn kết tạm thời trong quá trình phản ứng gọi là trung tâm hoạt động của enzym.
     Trung tâm này tuy chiếm một phần rất nhỏ thể tích của phân tử enzym nhưng là miền trọng yếu của nó quyết định phản ứng có thể bắt đầu hay không (hoạt hóa hay vô hoạt) cũng như quy định tính đặc hiệu của phản ứng. Một khi trung tâm hoạt động của enzym không được hoạt hóa hoặc không ở trạng thái tự do thì enzym mất luôn khả năng xúc tác phản ứng vốn có của nó.
     Thuộc tính xúc tác của enzym có những cơ chế sinh hóa khác nhau nhưng trước hết trung tâm hoạt động của chúng phải ở trạng thái tự do và được hoạt hóa. Các chất kháng sinh tác động làm mất tính tự do của enzym. Phụ thuộc vào tính thuận nghịch hay không của sự kết hợp chất kháng sinh với trung tâm hoạt động của enzym mà ta có cơ chế cạnh tranh hay cơ chế che phủ.
     Về bản chất, hai cơ chế này tương tự nhau. Tuy nhiên, trong cơ chế cạnh tranh chất kháng sinh kết hợp một cách thuận nghịch với trung tâm hoạt động của enzym tương ứng, vì vậy chúng có tác dụng khi nồng độ khá cao và dễ bị mất tác dụng khi cơ chất chuyển hóa có nồng độ cao một cách áp đảo. Tuy vậy, do các enzym trong cơ thể thường được thay đổi thế hệ liên tục nên tính thuận nghịch của phản ứng kết hợp này giúp chất kháng sinh không bị đào thải cùng với enzym bị lão hóa mà được giải phóng và duy trì tác động trong thời gian kéo dài hơn với enzym mới được tổng hợp.
     Ngược lại, trong cơ chế che phủ chất kháng sinh kết hợp không thuận nghịch với trung tâm hoạt động của enzym làm phản ứng sinh hóa trên enzym đó không thể xảy ra cả khi hàm lượng chất kháng sinh thấp. Tuy vậy, khi cơ thể vi khuẩn tiếp tục tổng hợp enzym khác thay thế enzym lão hóa thì tác dụng của chất kháng sinh bị hạn chế. Khi đó ngoài yếu tố nồng độ khá cao thì chất kháng sinh muốn có tác dụng đối với vi khuẩn phải được bổ sung mới thường xuyên.
2.2. Điểm tác động của kháng sinh
     Cơ chất cần chuyển hóa trong cơ thể vi khuẩn nói chung có nhiều loại cũng như số lượng chủng loại enzym là rất phong phú. Tuy nhiên có thể chia các phản ứng sinh hóa đó thành bốn điểm chính: vách tế bào, màng tế bào chất, bộ máy di truyền và bộ máy tổng hợp protein. Các chất kháng sinh vì vậy cũng có các điểm tác động ở các vùng tương ứng nêu trên. Như vậy các điểm tác động của chất kháng sinh có thể là vách tế bào, màng tế bào chất, cấu trúc nhân và ribosom.
     Các chất kháng sinh tác động đến vách tế bào (như penicillin) có đích tác động là enzym xúc tác quá trình kết nối các mạch hở của phân tử peptidoglycan là thành phần chính của vách tế bào (đặc biệt vi khuẩn Gram dương). Mạch hở này là kết quả tất yếu cần thiết cho sự phát triển về thể tích của vi khuẩn khi quá trình sinh trưởng xảy ra. Mối liên kết giữa các monomer của peptidoglycan liên tục được tháo ra bởi một enzym và ráp thêm monomer mới nhờ enzym khác. Khi enzym tái lắp ráp không hoạt động các mạch hở vách tế bào hình thành ngày càng nhiều làm vách tế bào không thể duy trì được tế bào chất ở bên trong. Màng tế bào chất khi đó bị vỡ dẫn đến việc dung giải tế bào vi khuẩn. Do ở các vi khuẩn Gram âm vách tế bào cấu tạo từ lớp peptidoglycan mỏng được bổ sung thêm màng ngoài cấu tạo từ lipopolysaccharid (LPS) và protein nên nói chung chúng thường ít mẫn cảm với các chất kháng sinh nhóm này.
2.3. Cơ chế tác dụng của kháng sinh:
- Ức chế tổng hợp vách tế bào:
Kháng sinh ức chế sinh tổng hợp vách như các β-lactam, vancomycin.
- Ức chế tổng hợp protein: Kháng sinh ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn ở mức ribosom:
+ Streptomycin,nhóm aminoglycoside, tetracyclin ức chế tổng hợp protein bằng cách gắn vào tiểu phần 30s ribosom của vi khuẩn.
+ Macrolid, Lincosamid, Chloranphenicol lại tác động bằng cách gắn vào tiểu phần 50s của ribosome.
- Ức chế chức năng màng:Kháng sinh gây rối loạn chức năng thẩm thấu chọn lọc của màng nguyên tương: Polymycin.
- Ức chế tổng hợp axit nucleic:
+ Kháng sinh có tác dụng ức chế tổng hợp nucleic acid  ở 3 mức độ khác nhau.
+ Tác động vào sao chép ADN: nhóm quinolon.
+ Ức chế sao mã ARN: rifampicin
+ Ức chế tổng hợp các nucleotid: sulfamid và trimethoprim.
- Một số loại thuốc kháng sinh còn có thể tạo các chelat: tetracycline, chloranphenicol…

3. Hiện tượng kháng kháng sinh:
3.1. Khái niệm:
- Một loại vi khuẩn đề kháng kháng sinh khi loại vi khuẩn này vẫn có thể sinh trưởng, phát triển được với sự hiện diện của một nồng độ kháng sinh cao hơn gấp nhiều lần nồng độ ngăn chặn sự sinh trưởng, phát triển của các loại vi khuẩn khác hoặc của chính loại vi khuẩn đó trước đây.
- Hay với liều dùng thông thường, kháng sinh bị nhờn không có tác dụng gì đối với vi khuẩn.
3.2. Nguyên nhân gây nên tình trạng kháng kháng sinh:
- Sử dụng thuốc kháng sinh một cách bừa bãi, không đúng cách, không tôn trọng liều lượng và thời gian trị liệu.
- Việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi thú y, canh nông và ngư nghiệp.
- Vấn đề dùng các chất diệt khuẩn.
3.3. Cơ chế tác kháng kháng sinh của vi khuẩn:
- Sự kháng thuốc xảy ra theo kiểu trực tiếp:
+ Một số loại kháng sinh nhất định, chẳng hạn như penicillin chỉ tác dụng lên lớp vỏ tế bào nên có thể không có hiệu quả đối với những vi sinh vật không có vỏ tế bào (ví dụ như Mycoplasma không có một lớp vỏ tế bào đặc trưng).
+ “Bao bọc”  ngoài tế bào làm giảm độ thẩm thấu,  không cho phép một số loại kháng sinh nhất định ngấm vào bên trong.
+ Khử hoạt tính enzim của kháng sinh.
+ Né tránh hoặc nguỵ trang.
+ Các vi sinh vật cũng có thể đào thải một loại kháng sinh ra khỏi tế bào, do vậy nó trở nên có khả năng kháng loại kháng sinh đó.
- Sự kháng thuốc theo kiểu gián tiếp:
+ Trong vi sinh vật có thể hình thành thông qua các gen nhiễm sắc thể hoặc thông qua các plasmit (cấu trúc tự sao chép mang gen trong tế bào chất).
+ Sự kháng thuốc được hình thành là do sự thay đổi hoạt tính ban đầu của thuốc hoặc làm giảm sự hình thành các enzyme chủ chốt, do vậy làm giảm tác dụng của thuốc.
- Sự kháng thuốc kháng sinh được hình thành gián tiếp qua các gen nhiễm sắc thể của vi sinh vật không dễ dàng được di truyền lại:
+ Sự kháng thuốc hình thành gián tiếp thông qua thể R-plasmit (R-plasmid-mediated-resistance):
   Đây là những vòng DNA cực nhỏ và di động nằm ngoài nhiễm sắc thể của vi khuẩn. Các R.plasmid có các gen được mã hoá theo các enzyme, mới làm mất hoạt tính của thuốc, gen mã hoá theo cơ chế bất hoạt hoá một hay nhiều loại kháng sinh.
   Qua quá trình tiếp hợp các R-Plasmid có thể làm trung gian cho sự kháng một hay nhiều loại thuốc kháng sinh thông qua các các vi khuẩn có thể truyền các plasmid mang gen kháng kháng sinh cho nhau qua cầu nối nguyên sinh chất.
   Cơ chế biến nạp (transformation).
   Cơ chế tải nạp (transdution).

4. Nguyên tắc sử dụng kháng sinh:
     Dùng kháng sinh có thể gây nhiều tai biến do thuốc có tính độc, do phản ứng dị ứng, do một lúc tiêu diệt nhiều vi khuẩn làm giải phóng một lượng lớn nội độc tố, làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể (do tác động xấu đến các loại tế bào thẩm quyền miễn dịch, làm giảm lượng kháng nguyên phòng bệnh và kháng sinh có thể tiêu diệt cả các vi khuẩn có ích cho cơ thể). Dùng bừa bãi còn gây nên hiện tượng kháng thuốc làm giảm thấp tác dụng chữa bệnh của chất kháng sinh. Vì vậy, khi dùng cần theo những nguyên tắc sau đây:
- Chỉ sử dụng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn.
- Phải chọn đúng kháng sinh và đường đưa thuốc thích hợp.
- Sử dụng kháng sinh đúng liều lượng và đúng thời gian quy định.
- Phài nắm vững nguyên tắc khi cần thiết phải sử dụng phối hợp kháng sinh.
- Kết hợp các loại thuốc bổ để tăng cường sức đề kháng của vật nuôi.
4.1. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn:
     Phải chẩn đoán đúng bệnh để dùng thuốc. Dùng hấp tấp thuốc không được lựa chọn trên cơ sở kết quả chẩn đoán sẽ không chữa khỏi bệnh, mà còn làm cho việc chẩn đoán bệnh về sau gặp khó khăn.
- Mỗi nhóm kháng sinh chỉ tác động lên một nhóm vi khuẩn nhất định, và hầu hết không có hiệu quả với tác nhân gây bệnh khác như: virus, ký sinh trùng, nấm…
- Việc sử dụng kháng sinh khi không nhiễm trùng vừa thất bại trong điều trị, tốn kém, vừa có thể mang lại tác hại cho đối tượng sử dụng kháng sinh. Về mặt sinh học việc dùng kháng sinh bừa bãi gây tăng thêm các chủng kháng thuốc.
4.2. Phải chọn đúng kháng sinh và đường đưa thuốc thích hợp:
     Chọn loại kháng sinh có tác dụng tốt nhất đối với mầm bệnh đã xác định. Dùng liều cao ngay từ đầu, những lần sau đó có thể giảm liều lượng. Có thể sử dụng thuốc hấp thu chậm nhưng trước đó phải tiêm thuốc hấp thu nhanh cùng loại.
- Lựa chọn kháng sinh.
+ Chọn kháng sinh dựa vào vị trí nhiễm trùng:
       Nhiễm trùng do vi khuẩn nội bào: Quinolon II, Macrolid, Cyclin, Lincosamid, Phenicol.
       Nhiễm trùng tiền liệt tuyến: Quinolon II, Macrolid, Phenicol.
+ Chọn lựa kháng sinh dựa trên phổ tác dụng:
       Chọn lựa kháng sinh dựa trên cơ địa gia súc.
        Tình trạng bệnh lý.
- Đường sử dụng kháng sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
+ Tính khẩn cấp trong trị liệu.
+ Vị trí nhiễm khuẩn.
+ Đặc tính hấp thu kháng sinh.
+ Khả năng sử dụng kháng sinh theo đường uống...
- Các đường đưa thuốc:
+ Đường uống(PO).
+ Đường tiêm tĩnh mạch:dùng trong các trường hợp nhiễm trùng nặng hay nhiễm trùng ở vị trí đặc biệt: màng não, tim mạch, xương… hay khi đường uống không thể thực hiện.
+ Tiêm bắp(IM):Betalactamin, Amynosid, Lincosamid.
+ Tiêm dưới da(SC).
+ Dùng kháng sinh tại chỗ:chủ yếu dùng trong điều trị nhiễm trùng ở mắt, tai, da và âm đạo. Các kháng sinh: nhóm Macrolid, Lincosamid, Colistin.
+ Dạng khí dung:Pentamidin, thuốc kháng nấm, Amynoglycosid.
4.3. Sử dụng kháng sinh đúng liều lượng và đúng thời gian quy định:
- Liều lượng sử dụng kháng sinh phụ thuộc vào các yếu tố:
+ Mức nhạy cảm của vi khuẩn gây bệnh đối với kháng sinh.
+ Tính chất dược động của kháng sinh.
+ Vị trí của ổ nhiễm trùng.
+ Cơ địa gia súc.
+ Sự dùng phối hợp kháng sinh.
+ Thời gian sử dụng kháng sinh: sử dụng đúng liệu trình với từng kháng sinh.
- Không nên vội vàng thay kháng sinh mà phải chờ một thời gian để phát huy tác dụng của kháng sinh.
4.4. Nắm vững nguyên tắc trong phối hợp kháng sinh:
     Phải dùng phối hợp nhiều loại kháng sinh để làm giảm liều lượng và độc tính của từng loại, làm phổ tác động đến vi khuẩn rộng hơn, tăng tác dụng điều trị và hạn chế hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc.
     Khi phối hợp thuốc, cần chọn những thuốc có tác dụng tăng cường lẫn nhau (tác dụng hợp đồng) hoặc các thuốc cộng hợp, tránh phối hợp các thuốc đối kháng (về hoạt tính hóa học cũng như tác dụng điều trị).
+ Nắm chắc tác dụng cộng dồn, tác dụng hiệp đồng, hoặc tác dụng đối kháng.
+ Không bao giờ sử dụng phối hợp một loại kháng sinh diệt khuẩn với một loại kháng sinh kìm khuẩn.
+ Phối hợp thuốc kháng sinh trong chống nhiễm trùng vi khuẩn họ đường ruột (Enterobacterie):
                        Betalactamin +Amikacin
                        Fluoroquinolon + Amynoglycosid/ Betalactamin
                        Cotimoxazol + Amynoglycosid
                        Fosfomycin + Amynoglycosid
+ Một số phối hợp kháng sinh được xem là đối kháng:
                        Penicillin (hoặc Ampicillin) +Tetracyclin/Macrolid
                        Quinolon + Chloramphenicol
4.5. Tăng cường sức đề kháng:
Phải tăng cường sức đề kháng của cơ thể như nuôi dưỡng tốt, dùng thêm vitamin, tiêm nước sinh lý, phối hợp thuốc giảm đau, giảm sốt và an thần (trấn tĩnh) và thuốc chống viêm khi cần thiết để làm giảm tác động gây stress của quá trình bệnh lý.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng các thuốc chống viêm nhóm steroid (hydrocortisol, prednisolon,...) có tác dụng gây giảm bạch cầu nên dẫn đến giảm sức đề kháng của cơ thể nếu sử dụng kéo dài. Chất kháng sinh chế khuẩn chỉ có thể có tác dụng khi cơ thể có sức đề kháng: tiêu diệt và bài xuất mầm bệnh.
xem thêm Một Số Vấn Đề Về Sử Dụng Kháng Sinh Dùng Trong Thú Y - 2
    Chia sẻ bài viết: :
     
    Thiết kế bởi: Free Blogger Templates | VNBLOGGER | Thư viện Online | Tin khuyến mại | Sổ tay Online Xem Phim: Phim Ánh Trăng
    Copyright © 2016. Nông Nghiệp - By Blogger.com