Home » , » Bệnh Viêm Móng Trên Bò Sữa

Bệnh Viêm Móng Trên Bò Sữa

Written By Chăn Nuôi on Tuesday, March 19, 2013 | 11:33 PM

PGs. Ts. LÊ ĐĂNG ĐẢNH

      Các bệnh viêm móng, viêm kẽ móng, viêm vành móng và viêm khớp đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn trên đàn bò sữa, lớn hơn so với bệnh viêm vú; nhất là trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm và nuôi nhốt như đại đa số các hộ chăn nuôi ở miền Đông Nam bộ. Thống kê của một số bang ở Mỹ cho thấy bệnh viêm chân móng gây thiệt hại kinh tế 20% cho đàn bò sữa so với bệnh viêm vú chỉ gây thiệt hại 16,5%.
1. Nguyên nhân gây viêm móng trên bò sữa
      Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ và ẩm độ cao. Phần lớn bò sữa được nuôi nhốt thường xuyên trong chuồng nền bằng ximent hoặc bê tông nhám nên móng chân bò sữa bị bào mòn liên tục. Hơn nữa, đa số chuồng trại của hộ chăn nuôi nhỏ có nền chuồng không cao hơn so với nền đất chung quanh, độ dốc kém và thường xuyên xịt nước để dội phân, tắm rửa bò. Do đó nền chuồng luôn bị ẩm ướt, có nhiều chỗ bị đọng nước. Đàn bò luôn đứng trên nền chuồng ẩm ướt nên móng chân của chúng bị mềm, chỗ nối giữa lớp da với thành móng dễ bị nứt, khe giữa hai móng bị viêm, phân nhét vào kẽ nứt này hoặc kẽ giữa hai móng chân. Đây là cơ hội tốt cho vi khuẩn trong phân bám trên nền chuồng, nhất là các vi khuẩn yếm khí gây viêm móng và hình thành ổ viêm có mủ. Vết nứt ngày càng sâu, vi khuẩn tiếp tục xâm nhập và phát triển nên bệnh ngày càng trầm trọng. Khi vi khuẩn xâm nhập lên phía trên gây ra viêm khớp cổ chân, khớp gối rồi tiếp tục gậy viêm đa khớp rất khó điều trị. Ngoài ra, khi bò nằm do đau chân nhưng vẫn được vắt sữa, sữa rơi vãi trên nền chuồng tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển nhanh. Thức ăn tinh rơi vải trên nền chuồng, vi khuẩn lên men sản sinh acid cũng gây hại thêm cho móng chân bò.
      Bình thường pH dạ cỏ khoảng 6,0 - 6,2. Nếu khẩu phần ăn có tỉ lệ thức ăn tinh cao nhưng ít cỏ, rơm làm cho pH dạ cỏ xuống dưới 6,0. pH này sẽ giết chết các loài vi khuẩn tiêu hóa chất xơ, sự tiêu hóa chất xơ suy giảm, tình trạng toan huyết (acidosis) xẩy ra. Hậu quả là nước từ các tế bào ruột đi vào lòng ruột tăng, thú bị tiêu chảy. Nếu pH dạ cỏ tiếp tục hạ thấp hơn 5,5, nhiều loài vi khuẩn bình thường trong dạ cỏ cũng bắt đầu chết. Hàm lượng acid trong ống tiêu hóa thấp cũng gây loét dạ cỏ, vi khuẩn trong dạ cỏ vào máu gây áp xe gan. Các nội độc tố do vi khuẩn sản sinh trong môi trường axit của dạ cỏ quá thấp ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu nhỏ ở móng chân cũng góp phần gây viêm móng. Ngoài ra, móng chân bò luôn chịu áp lực rất lớn khối lượng cơ thể khi đi đứng nên gây vỡ mạch máu nhỏ trong móng chân, vành móng, tạo điều kiện cho vi khuẩn đi lên phía trên gây viêm khớp.
2. Triệu chứng
      Khi bị viêm móng, bò đi lại khó khăn, stress do đau, giảm ăn uống nên sản lượng sữa cũng như khả năng sinh sản giảm nhanh. Do đó phòng bệnh là cách tốt nhất.
     Các triệu chứng dễ nhận biết khi bò bị viêm móng là: (1) hai chân trước xoạc ra hai bên khi nhìn từ phía trước (hai móng chân xoạc rộng ra hai bên hơn so với bã vai); (2) bò có dáng đi khập khểnh, các chân bị đau thẳng đơ không gấp lại khi bước đi, sống lưng cong lên. Do chân bị đau nên bò bệnh ít đi lại, thích nằm, ít ăn làm giảm sản lượng sữa cũng như khả năng sinh sản; (3) móng chân dài ra và bị vênh giống như càn cua; (4) xương ngón chân thứ 3 của chân trước bị biến dạng, không có gờ móng; (5) đế móng chân bị lõm đều, quan sát rõ ở giữa đế móng, thành móng bị nhô ra.
               

Chân sau bị đau nên chân hơi co về phía trước



          






Hình trên cho thấy móng chân bị xuất huyết và vết nứt ăn sâu lên phía trên, móng bị lõm sâu vào chính giữa. Do bị xuất huyết và hoại tử nên chỗ viêm móng có màu đen.
                        DSC01683.JPG
           Viêm da giữa 2 móng (viêm kẽ móng)       Chảy máu gan bàn chân
                               
   Dưới móng bị rỗ và lõm sâu                                                   
3. Biện pháp phòng ngừa
3.1. Vệ sinh và giữ khô nền chuồng nuôi
- Nâng cao nền chuồng cao hơn nền đất chung quanh ít nhất 10 - 30 cm.
- Thiết kế độ dốc nền chuồng khoảng 3 đến 5% hướng ra hai bên nền đất chung quanh, đắp ximent những chỗ nền bị lõm, đọng nước, nhất là chỗ bò đứng.
-  Có một khoảng nền đất cao ở gần chuồng, không bị đọng nước để bò đi lại vài giờ trong ngày sau khi vắt sữa. Bò được đi lại nhiều dưới ánh sáng mặt trời giúp cơ thể hấp thu canxi hiệu quả, làm cho móng chân và cẳng chân được khỏe mạnh, vững chắc hơn.
-  Có mảng cao su lót ngay chỗ bò nằm, hoặc xây chuồng theo kiểu đi lại tự do, có chỗ nằm riêng, chỗ ăn và chỗ vắt sữa riêng biệt.
-  Vệ sinh chuồng trại bằng các chất sát trùng hoặc bằng vôi bột, định kỳ 7 - 10 ngày một lần. Các khảo sát gần đây cho thấy sát trùng định kỳ đã giúp giảm tỉ lệ bệnh viêm móng và viêm vú đáng kể, trên 65%.
-  Các trang trại lớn cần xây thêm hố ngâm chân có chứa CuSO4 gần chỗ vắt sữa. CuSOgiúp sát trùng chân móng và làm cho móng bền chắc hơn.   
-  Trang bị thêm quạt công nghiệp để làm khô nhanh nền chuồng, đồng thời làm mát bầu tiểu khí hậu giúp bò ăn được nhiều hơn. Nền chuồng khô sẽ ngăn cản sự phát triển của vi sinh vật. Nên hốt phân khô trước, rửa nước sau để làm giảm ẩm độ trong chuồng.
3.2. Cải thiện khẩu phần ăn và phương thức nuôi dưỡng
-  Cho ăn tăng thêm lượng cỏ tươi loại tốt để giảm lượng thức ăn tinh, do đó giảm chứng toan huyết, giúp các mạch máu nhỏ ở móng chân không còn bị vỡ làm giảm sự xâm nhập và phát triển của vi khuẩn có hại.
-  Cho bò ăn rơm cỏ (thức ăn thô) trước khi cho thức ăn tinh cũng giảm chứng toan huyết hoặc tốt nhất là trộn chung thức ăn tinh và thô. Khẩu phần hỗn hợp tổng số (TMR: Total Mixed Ration) được hầu hết các nước chăn nuôi bò sữa cao sản áp dụng. Khẩu phần nầy giúp bò sữa tiêu hoá và hấp thu dưỡng chất tốt đáp ứng nhu cầu sản xuất nên làm tăng sản lượng sữa và khả năng sinh sản.
-  Ngoài ra, có thể làm tăng độ bền chắc của móng chân và lớp da chung quanh móng bằng cách bổ sung vào thức ăn các loại vitamin như biotin, B3, A, C và kẽm. Biotin (vitamin H) giúp tổng hợp chất keratin, là chất làm cho nền móng chân được bền và dai hơn, ngăn ngừa các tổn thương ở móng chân. Vitamin B3 (niacin hay nicotinamide) giúp duy trì các chức năng bình thường của da, ngăn ngừa da bị khô, giúp da bám chắc vào móng, ngăn chặn sự xâm nhập các vi khuẩn có hại. Vitamin A duy trì tốt hệ thống xương, giúp lớp biểu bì da phát triển tốt và bám chặt vào móng chân, ngăn chận sự xâm nhập vi khuẩn có hại. Vitamin C tăng sức đề kháng bệnh, giúp da chắc và khỏe. Bổ sung Zn (kẽm) vì thiếu kẽm gây sừng hóa da, lông (paraketosis), da bị dầy lên và nứt nẻ, da không bám chắc vào vành móng. Các vết nứt nầy là nơi vi khuẩn xâm nhập vào gây ra viêm mủ. Có thể kết hợp bổ sung thêm Mn (mangan) nhằm giảm sự yếu chân. Ngoài ra khẩu phần bò sữa phải đầy đủ canxi để bộ xương vững chắc.
4.  Điều trị
     Móng chân bị viêm (người chăn nuôi thường gọi là hà ăn chân) thì phần móng thường bị khuyết (lõm), có khi xuất huyết hoặc mưng mủ nên có màu nâu, đen; bò đi lại khập khểnh, đứng lên nằm xuống khó khăn, sống lưng bị võng xuống khi viêm móng nặng ở 2 chân sau. Trước tiên bà con nên mời thú y đến gọt móng bằng các dụng cụ chuyên dùng. Gọt sạch chỗ bị viêm, cấp kháng sinh hoặc sulfamid vào và sau đó cho bò mang guốc để tránh bị phân nhét vào. Nếu không có guốc, nhốt bò bệnh ở một chỗ riêng, lót rơm khô và thay rơm thường xuyên, tránh nền chuồng ẩm ướt. Nếu bị nặng, kết hợp tiêm thêm kháng sinh phổ khuẩn rộng ít nhất 5 - 7 ngày.
     Khi vi khuẩn xâm nhập lên phía trên gây viêm khớp, khớp bị sưng to hơn bình thường thì phải dùng một hoặc kết hợp 2 loại kháng sinh, hoặc kết hợp sulfamid phổ khuẩn rộng với thuốc giảm đau và giảm viêm. Có thể kết hợp điều trị bằng kháng sinh với ngâm móng chân trong CuSO4 5% hằng ngày.
     Tuy nhiên khi điều trị bằng kháng sinh thì vắt bỏ sữa vì sữa không được thu mua. Cho nên gần đây người ta thay thế liệu pháp kháng sinh bằng cách trộn chung chất chiết xuất từ cây Lô hội với cồn, chelate khoáng (Cu, Zn, Mn) và một số chất bảo vệ da với chất kết dính tạo thành dạng gel. Khi gọt móng xong, dùng cọ phết gel lên móng, sâu vào kẽ giữa 2 móng. Lớp gel nầy dính chặt vào móng, 2 - 4 ngày sau mới phết lại. Nhờ thảo dược và khoáng chất dưới dạng hữu cơ và cồn nên thuốc có thể thấm sâu vào lớp da chung quanh móng chống lại sự nhiễm khuẩn một cách hiệu quả. Nếu nền chuồng bị ẩm ướt thì sau khi phết phải để bò đứng chỗ khô ít nhất 30 phút và phết lại mỗi 2 ngày. Có thể kết hợp với băng keo chuyên dụng quấn chặt chung quanh và phần dưới móng trong 1 - 2 lần phết đầu tiên. Với cách điều trị nầy đơn giản hơn không cần mang guốc và vẫn bán được sữa trong thời gian điều trị.
                                      
  Đeo guốc
trích dẫn nguồn từ UV-Việt Nam.

Chia sẻ bài viết: :
 
Thiết kế bởi: Free Blogger Templates | VNBLOGGER | Thư viện Online | Tin khuyến mại | Sổ tay Online Xem Phim: Phim Ánh Trăng
Copyright © 2016. Nông Nghiệp - By Blogger.com