Giới thiệu
Nguyên nhân gây bệnh được xác định do một loại virus có tên Canine parvovirus (CPV) gây ra, được xác định lần đầu tiên vào năm 1978. Và trong vòng hai năm nó đã lan rộng trên toàn thế giới. Trong những năm qua, Parvovirus chó đã đột biến thành hai chủng khác nhau và có bằng chứng của một hiện chủng thứ ba tại Ý, Tây Ban Nha và Việt Nam. Hiện tại, chủng gây bệnh phổ biến nhất toàn thế giới là CPV-2b.
Bệnh thường được biết đến với hai biểu hiện quan trọng là viêm ruột-xuất huyết gây tiêu chảy phân có lẫn máu, niêm mạc đường tiêu hóa và viêm cơ tim.
Đặc điểm
Mỗi loài động vật khác nhau có virus parvo riêng của nó và nó không có sự lan truyền bệnh ngoài loài, do đó mới có virus parvo gây bệnh ở người, virus parvo chó, virus parvo mèo, parvo lợn…Parvovirus chó là một virus rất nhỏ, bao gồm một lớp vỏ protein và một sợi ADN duy nhất. Tuy nhiên virus này đã chứng tỏ sức mạnh đặc biệt của nó là lây nhiễm mạnh và nhanh chóng phân chia tế bào trong các tế bào chủ như các tế bào đường ruột, tủy xương, hệ bạch huyết và các tế bào của thai.
Virus này không được bao bọc trong một lớp chất béo như nhiều virus khác nên chúng có một khả năng chống chịu đặc biệt với nhiều môi trường khắc nghiệt. Chúng rất ổn định trong nhiều môi trường và có thể chịu được một khoảng pH rộng và nhiệt độ cao. Chúng còn có khả năng chống một số chất sát trùng nhẹ và tồn tại trong vài tháng ở các khu vực ô nhiễm.
Chó trên 6 tháng tuổi thường có một đề kháng tự nhiên với Parvovirrus. Nhiều con trong số này chỉ biểu hiện tiêu chảy thoáng qua. Chó 1-2 năm tuổi có thể bị bệnh nhưng thường rất nhẹ và thường không đáng chú ý.
Một lý do không rõ, Doberman Pinchers, Rottweilers..thường dễ suy sụp bởi bệnh này.
Cách lây lan và sinh bệnh
Mặc dù các virus không thể lây từ mèo qua chó hoặc từ chim cho mèo..., nhưng có thể lây virus qua tiếp xúc. Virus này tồn tại trên quần áo, thức ăn, sàn nhà, lồng nuôi có thể đến 5 tháng và lâu hơn trong các điều kiện thuận lợi nên việc thăm viếng, vuốt ve cũng là một nguy cơ lớn để bệnh lây lan. Côn trùng và động vật gặm nhấm cũng có thể là vector truyền bệnh đóng vai trò quan trọng.Sự lây lan bệnh qua đường ruột là chủ yếu do con vật nuốt phải mầm bệnh. Số lượng virus nhiễm vào cơ thể cũng rất cần thiết, đó cũng là một yếu tố để gây bệnh lâm sàng. Việc tiếp xúc với chó mang virus ở tần số và cường độ cao cũng làm tăng khả năng mắc bệnh này.
Ban đầu virus khu trú trong các mô bạch huyết ở cổ họng, từ đó vào máu. Các triệu chứng ở đường ruột xảy ra khi virus tấn công tủy xương, nhanh chóng phân chia tế bào và khu trú trong đường ruột và các hạch bạch huyết, gây tổn thương và hoại tử tế bào.
Các thể bệnh và triệu chứng
Triệu chứng thường biếu hiện trong vòng 3-10 ngày kể từ ngày nhiễm bệnh. Bao gồm: mệt mỏi, ủ rũ, bỏ ăn, nôn mửa, sốt và các triệu chứng điển hình của mỗi thể bệnh.
Thể tim: Các mẫu tim bị nhiễm trùng thường được tìm thấy trong chó đang bị nhiễm bệnh hoặc chó con ngay sau khi sinh. Đây là hình thức của bệnh rất ít phổ biến so với thể đường ruột. Bệnh thường rất nặng, làm viêm và hoại tử cơ tim gây khó thở và chết non (<8 tuần) của chó. Chó con tồn tại được sẽ có sẹo trong cơ tim.Thể bệnh này có thể hoặc không đi kèm với các dấu hiệu và triệu chứng của thể đường ruột. Tuy nhiên thể này bây giờ đã hiếm thấy trên thế giới.
Thể đường ruột: Virus gây thiệt hại nghiêm trọng đến đường ruột. Virus phân chia trong các tế bào biểu mô ruột, gây hoại tử bong tróc các tế bào niêm mạc vì thế gây tiêu chảy - xuất huyết. Niêm mạc thường theo phân ra ngoài, hợp lại với các chất khác tạo ra một mùi hôi tanh khó chịu.Điều này có thể để mở cửa cho nhiễm trùng thứ cấp khi các vi khuẩn đường ruột như Salmonella, C. perfringens, E. coli, Campylobacter, coronavirrus và các ký sinh trùng khác có thể xâm nhập vào mạch máu nhiều hơn qua những vùng niêm mạc bị bong tróc. Kích hoạt một qua trình nhiễm trùng thứ cấp nghiêm trọng.
Hầu hết chó bị ảnh hưởng (85%) ở lứa tuổi 6-20 tuần tuổi.
Có ý kiến cho rằng tỷ lệ tử vong khoảng 91% và nếu được điều trị đúng mức thì tỷ lệ sống sót có thể đến 80-95%.Bệnh thường có triệu chứng tiêu chảy nặng gây mất nước, điện giải, máu và nhiễm trùng thứ cấp. Do đó, con vật có biểu hiện vô thần, sụt cân nhanh, đau đớn, shock do mất máu...Chó thường sẽ không chết do virus, nhưng thường chết do nhiễm trùng thứ cấp.
Chẩn đoán
- Chẩn đoán lâm sàng: chẩn đoán bệnh trước tiên phải là khám lâm sàng, xác định độ tuổi, giống và tình trạng tiêm chủng đề loại trừ.
- Lấy mẫu phân để làm phản ứng ELISA: các phương pháp ELISA có thể thực hiện ở ngày đầu tiên của bệnh cho đến 3 hoặc 4 ngày sau đó. Các phương pháp ELISA có thể là âm tính giả nếu chạy quá sớm trong quá trình bệnh.
- Có thể bổ sung việc chẩn đoán máu: Giảm bạch cầu hoặc lympho bào thường biểu hiện trong hầu hết các chó bị bệnh này. Trong đó, giảm bạch cầu là một gợi ý quan trọng. Ngoài ra hạ albumine, natri, kali và clo máu cũng có thể biểu hiện.
- Có thể bổ sung việc chụp X-quang: radiographs thường giúp phân biệt bệnh với các nguyên nhân khác có ói mửa và tiêu chảy.
Tuy nhiên việc bắt tay vào điều trị ngay từ khi con vật được nghi ngờ mắc bệnh và chưa có các kết quả về chẩn đoán phi lâm sàng là điều nhất quyết phải làm.
Điều trị
Trên thế giới hiện nay chưa có thuốc đặc trị để loại bỏ virus nên việc điều trị chỉ mang tính giảm triệu chứng, hổ trợ đề kháng cho con vật bệnh và phòng trị nhiễm trùng thứ cấp. Mục đích cuối cùng của điều trị bệnh này là giúp con vật sống một thời gian đủ để cơ thể của nó tạo ra một phản ứng miễn dịch. Tỷ lệ sống còn phụ thuộc vào sự chẩn đoán đúng và nhanh chóng được điều trị.
- Nên ngừng cho ăn và ống trong thời gian con vật chưa có dấu hiệu hồi phục. Sau đó cho ăn nhẹ (nếu con vật có thể ăn được), nên cho ăn nhữn thức ăn dễ tiêu như tinh bột, thịt gà... liên tục đến 7-14 ngày sau đó là tốt nhất để giảm bớt tối đa có thể những rủi ro.
- Điều trị ban đầu thông thường là truyền dịch, giúp bù đắp, cân bằng lại nước và chất điện gải, đồng thời bổ sung năng lượng.
- Ngoài việc truyền dịch, việc chống buồn nôn, chống tiêu chảy, cầm máu và chích thuốc kháng sinh là điều cấp thiết.
- Việc tiêm kháng huyết thanh chỉ có ý nghĩa khi bệnh đang khởi phát.- Chống shock do mất máu cũng là điều rất đáng quan tâm.
- Sự chăm sóc đúng cách sẽ đưa lại tiên lượng tốt hơn, nhưng nếu chăm sóc không hợp lý, chó sẽ chết rất nhanh (môi trường dưỡng bệnh không tốt, tắm khi con vật đang ốm, cho ăn uống không theo chỉ định,... ).
Sự thành công trong điều trị bệnh này phần lớn là do sức sống-sức chống chọi với bệnh tật của con vật. Tuy nhiên phần còn lại là do Bác sỹ thú y.
Bác sỹ thú y sẽ đưa ra một phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp con vật bệnh. Nếu không làm đúng một số nguyên tắc thì đôi khi sẽ làm cho con vật chết nhanh hơn.
Ví dụ:
- Tiêm các loại kháng sinh dễ gây độc cho con vật trong khi tình trạng mất nước của chúng đang rất trầm trọng. (Nhóm sulfamid, nhóm kháng sinh aminozid (Streptomycin, Gentamycin, Neomycin, Kanamycin..), nhóm cephalosporin: thế hệ 1 (cephalexin, cefalothin, cephazolin, cephadroxil), nhóm polimycin: Colimicin (colistin)...)- Sử dụng thuốc trợ tim không đúng chỉ định sẽ làm con vật nhanh chết hơn.
- Truyền dịch không đủ sẽ không đem lại hiệu quả, truyền không đúng cách sẽ khiến con vật nhanh kiệt sức...-
Lạm dụng các loại thuốc cầm máu và thuốc giảm co thắt tiết dịch.
- ......
Phòng bệnh
Hầu hết Bác sỹ thú y sẽ đề xuất cho chó con được tiêm phòng bệnh do parvovirus khoảng tám tuần tuổi. Ở Việt nam ta, vaccine này thường có sẵn trong vaccine đa giá. Tiêm nhắc lại sau một tháng và hằng năm.
Người nuôi chó không nên tiêm phòng bệnh quá sớm cho chó con vì không đủ khả năng để đáp ứng miễn dịch.
Việc phòng bệnh băng cách không cho tiếp xúc với mầm bệnh thường không đem lại hiệu quả cao.
Mong muốn người nuôi chó nên tiêm phòng cho cún của mình nếu không muốn nó bị chết một cách oan uổng do bệnh truyền nhiễm hoặc điều trị tốn kém khi con vật bị bệnh.
Bài viết dựa trên kinh nghiệm bản thân, nhiều BSTY, và dẫn liệu từ một số nguồn:
1. Carmichael L (2005). "An annotated historical account of canine parvovirus". J. Vet. B Infect. Dis. Vet. Public Health 52 (7-8): 303–11.
2. Decaro N, Martella V, Desario C, Bellacicco A, Camero M, Manna L, d'Aloja D, Buonavoglia C (2006)."First detection of canine parvovirus type 2c in pups with haemorrhagic enteritis in Spain". J. Vet. B Infect. Dis. Vet. Public Health 53 (10): 468–72.
3 Prittie,Jennifer (September,2004). "Canine Parvoviral Enteritis: A Review of Diagnosis, Management, and Prevention". J Vet Emerg Crit Care. 14 (3): 167–176.
4. a b "Canine Parvovirus" . The Merck Veterinary. Retrieved 2007-04-22 ....