Home » »

Written By Chăn Nuôi on Saturday, May 19, 2012 | 7:35 AM

Kỹ thuật nuôi heo rừng lai In Email
Chăn nuôi heo rừng lai ngày nay không còn xa lạ với bà con chăn nuôi trong tỉnh. Thế nhưng chăn nuôi như thế nào, chăm sóc ra sao thì không phải ai cũng biết rõ. Vì vậy để chăn nuôi heo rừng lai đạt hiệu quả, bà con cần chú ý một số kỹ thuật sau:
1. Chọn giống
Nuôi heo rừng lai cũng giống như heo nhà nên việc chọn giống cũng rất quan trọng. Vì vậy bà con cần chú ý:
- Về hình thức: nên chọn những con có vóc dáng cân đối, lưng thẳng, bụng thon, nhanh nhẹn… Có màu sắc đặc trưng (màu hung đen hoặc xám đen), tính biệt rõ ràng…
- Về nguồn gốc: nên chọn mua heo ở những trại giống lớn, có uy tín nhiều năm liền.
- Con giống phải có giấy chứng nhận kiểm dịch và đã được tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo qui định như: lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn…v..v.
2. Chuồng trại
Đối với heo rừng lai việc phòng bệnh là rất quan trọng, vì vậy xây dựng chuồng trại đúng cách đã góp phần rất lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh.
- Chuồng được xây dựng đơn giản bằng gạch (khoảng 4m2 mỗi chuồng), có cửa chuồng, có mái che. Có thể xây theo kiểu hệ thống chuồng liên kề với các cửa thông nhau. Nên để một khoảng đất trống (có rào lưới chắc chắn – thường sử dụng là lưới B40) để thả heo con và để heo được sưởi nắng, diện tích tối thiểu là 4 m2/con.
- Trong khoảng đất trống nên trồng thêm một số cây để tạo bóng mát cho heo. Càng nhiều cây rậm rạp càng tốt vì chúng thích hợp với bản chất của con heo rừng.
- Trong chuồng nên có một hồ nước xây nghiêng để heo vào uống nước và dầm mình. Nó không những cung cấp đủ nước cho heo uống mà quan trọng hơn là nó sẽ duy trì được hệ thực vật phong phú tại nơi nuôi chúng và giữ được độ ẩm thích hợp.
- Chuồng nên xây trên nền đất cao ráo, dễ thoát nước, không ẩm ướt để tránh nước đọng và cũng dễ dàng vệ sinh chuồng trại. Trong nền chuồng nên treo ụ bằng lá chuối khô và rơm khô.
- Không nên tận dụng các chuồng trại cũ đã nuôi heo nhà để thả heo rừng, vì mầm bệnh tồn đọng của heo nhà có thể lây sang heo rừng. Mặt khác, khu nuôi phải cách xa khu dân cư và đường sá vì chúng luôn hoảng hốt bỏ chạy khi nghe có tiếng động.
3. Chăm sóc, nuôi dưỡng
- Giai đoạn 1 tháng trước khi sanh, heo mẹ cần được cung cấp đầy đủ và ổn định thức ăn tinh để tránh tình trạng heo con sinh ra bị xù lông, đổ ghèn, tiêu chảy, đi xiêu vẹo 2 chân sau….
- Heo con mới sinh cần được ở trong môi trường khô ráo và đủ ấm.
- Heo con một tuần tuổi cần chích bổ sung sắt. Một tháng tuổi thì tập heo con ăn bằng thức ăn tinh. Đến 1.5 tháng tuổi thì tách mẹ.
- Sau khi tách mẹ (1.5 đến 2 tháng tuổi) heo con được đưa sang chuồng rộng và nuôi ghép với nhiều bầy cùng lứa (10 đến 15 con/chuồng 400m2). Giai đoạn này rất quan trọng để heo con hình thành bộ khung, sức đề kháng để phát triển tốt. Do đó cần bổ sung thức ăn đầy đủ và bổ dưỡng, nên cho ăn thức ăn được nấu chín để dễ hấp thụ.
- Thức ăn của heo rừng chủ yếu là thực vật. Không nên lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng để nuôi heo rừng vì nó sẽ làm cho chất lượng của heo rừng bị biến đổi và đôi khi heo lại bị bệnh tiêu chảy.
- Thức ăn gồm có: thức ăn xanh tươi (cây chuối, bẹ chuối, thân cây ngô non, rau muống, bèo tây, các loại cỏ, các loại quả xanh v.v.. ), thức ăn tinh (hạt ngũ cốc, củ quả, mầm cây, rễ cây các loại), muối khoáng (tro bếp, đất sét, hỗn hợp đá liếm…). Thực tế cho thấy, heo rừng thường tìm đến nương rẫy mới đốt kiếm tro, đất sét để ăn.
- Mỗi ngày cho ăn 2 lần vào sáng và chiều, một heo rừng lai trưởng thành mỗi ngày tiêu thụ khoảng 2-3kg thức ăn các loại. Ngoài ra cần phải cung cấp nước uống đầy đủ, nên sử dụng nguồn nước sạch đã qua khử trùng.
- Hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, dọn bỏ thức ăn thừa, rửa sạch máng ăn và thay nước trong hồ.
4. Phòng bệnh
Heo rừng lai là vật nuôi mới được lai tạo nên sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, heo rừng lai cũng thường bị một số bệnh như: Dịch tả, Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng, bệnh sán lá, bệnh ghẻ lở và một số bệnh khác... Do đó cần phải tiêm phòng và định kỳ tẩy giun sán.
- Tiêm phòng vắc xin các loại bệnh như: lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn… mỗi năm một lần.
- Định kỳ tẩy giun, sán 03 tháng một lần, trừ giai đoạn mang thai.
Lê Thị Thảo – Chi cục Thú y
Chia sẻ bài viết: :
 
Thiết kế bởi: Free Blogger Templates | VNBLOGGER | Thư viện Online | Tin khuyến mại | Sổ tay Online Xem Phim: Phim Ánh Trăng
Copyright © 2016. Nông Nghiệp - By Blogger.com